Indonesia là quốc gia mới nhất gia nhập danh sách những nước đề nghị Liên Hợp quốc (LHQ) đặt lại tên quốc tế cho vùng biển này. Theo giới chức Indonesia, nếu được có thể đổi thành Biển Natuna (Natuna Sea). Vào năm 2012, Chính phủ Philippines đã chính thức đặt lại tên một phần của South China Sea trên bản đồ là Biển Tây Philippines và sử dụng tên đó trong các văn bản nhà nước.
Một chiến dịch kêu gọi đổi tên trên mạng “A Change.org” được khởi xướng từ 5 năm qua đề nghị đổi tên thành Southeast Asia Sea (Biển Đông Nam Á). Một số đề nghị khác còn nêu lên tên Biển Đông Dương (Indochina Sea) và Biển ASEAN (ASEAN Sea)… Trong lịch sử, Biển Đông từng có một loạt tên gọi, South China Sea là tên đặt gần đây nhất được sử dụng trong thập niên 1930. Theo bà Ellen Frost - cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Tây ở Hawaii, Biển Đông nên đổi tên thành Nam Hải (South Sea) nếu được. Việc thay đổi này sẽ là dấu hiệu về một đóng góp nhỏ, có tính chất kỹ thuật nhưng đầy ý nghĩa trong việc gìn giữ hòa bình. Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn “cứng đầu” không chấp nhận phán quyết bác yêu sách "đường 9 đoạn" của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 7 vừa qua. Chính quyền Trung Quốc còn tuyên bố “xanh rờn” sẽ tập trận hải quân với một số đối tác, ngay giữa lúc căng thẳng đang gia tăng với Mỹ và nước láng giềng Đông Á (Nhật Bản). Tuy nhiên, nhận định về việc Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực với phán quyết của PCA bằng việc tăng cường đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông, theo Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương, với tư cách là một nước lớn, một thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc không thể, và không nên làm như vậy.