Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông đánh giá như nào về tác động, hiệu quả của những chính sách này với DN?
Với sự chia sẻ của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua đã giúp các DN vững tin tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất. Các chính sách hỗ trợ được cộng đồng DN, người dân đánh giá cao. Các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mang ý nghĩa như một khoản tiền Nhà nước hỗ trợ trực tiếp vào chi phí của DN, giúp DN có nguồn lực tai chính quay vòng sản xuất. Bên cạnh đó, các chính sách giãn thuế được xem như một khoản cho vay không tính lãi, đã tạo điều kiện cho DN xoay vòng vốn nhanh chóng, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.
Từ những thuận lợi đó, DN đã có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động, chính sách thuế luôn gắn liền với hoạt động của DN. Do vậy, nền kinh tế đã phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Nếu đề xuất được thông qua sẽ có ý nghĩa như thế nào với DN, thưa ông?
Ngày 31/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ thuận lợi của Chính sách này, chúng tôi ghi nhận sự vào cuộc của Bộ Tài chính là rất tích cực và kịp thời, đã đề xuất Chính phủ ban hành Quyết định trên, nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho DN sau đại dich Covid-19.
Đặc biệt, mới đây Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất gia hạn thời gian nộp một số loại thuế, phí, tiền thuê đất. Theo dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng. Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 và quý I, quý II/2023 là khoảng 64.000 - 65.000 tỷ đồng. Đối với thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42.800 - 43.600 tỷ đồng.
Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của DN, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn 6 tháng. Dự kiến số tiền được gia hạn khoảng 3.500 tỷ đồng.
Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết cho DN. Bởi thực tế hiện nay DN đang rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là dòng tiền. Với nguồn hỗ trợ này là sự yểm trợ kịp thời, giúp DN có thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, tạo cú hích để bứt phá trong thời gian tới.
Theo dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng, gia hạn 3 tháng đối với thuế thu nhập DN và gia hạn tiền thuê đất 6 tháng. Ông có ý kiến gì với đề xuất này và có kiến nghị gì về thời gian gia hạn?
Vì độ trễ của chính sách, vì vậy, theo quan điểm của tôi nên kéo dài thời gian hỗ trợ thuế. Bởi thực tế, việc hỗ trợ này Nhà nước không bị mất đi nguồn thu mà chỉ là kéo dài thời gian thu. Trong khi đó, đối với những DN nhỏ và siêu nhỏ, khoản tiền một vài trăm triệu để quay vòng vốn có ý nghĩa vô cùng lớn, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi hiện nay.
Riêng đối với tiền thuê đất cũng nên xem xét hỗ trợ ở mức dài hơi hơn. Bởi phần lớn DN phải đi thuê đất với diện tích lớn đều là DN sản xuất. Đây là nhóm DN thu hút nhiều lao động, tạo ra sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Trong khi đó, nếu chỉ hỗ trợ 3 tháng sẽ không nói lên được điều gì với chu kỳ sản xuất kinh doanh. Thực chất, việc hỗ trợ này không chỉ có ý nghĩa với DN, mà còn có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước và giải quyết vấn đề việc làm cho lao động, đảm bảo an sin xã hội.
Để phát huy tối đa hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, theo ông dự thảo gia hạn lần này cần bổ sung, sửa đổi theo hướng nào, cách thức thực hiện ra sao?
Chính sách gia hạn thuế, phí là một mũi tên trúng nhiều đích, mang lại kết quả tốt cho cả DN, người dân và Nhà nước. Bởi số tiền thuế gia hạn nộp đồng nghĩa với việc giúp DN giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu thông. Ngược lại, ngân sách Nhà nước vẫn không giảm, thậm chí còn tăng nhờ nuôi dưỡng được nguồn thu.
Để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất, khi Chính phủ banh hành các văn bản hướng dẫn cần khắc phục triệt để những nút thắt, những rào cản hành chính để những chính sách được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết, giúp người dân, DN tiếp cận dễ dàng với chính sách quan trọng này.
Hiện nay, DN đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức gì trong quá trình phục hồi và phát triển, thưa ông?
Dự báo năm 2023, kinh tế nước ta sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố như xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước đối tác thương mại lớn… Vì vậy, DN vẫn chịu áp lực lớn, hơn lúc nào, DN đang rất cần sự đồng hành, chia sẻ để có thêm động lực phát triển.
Có 5 vấn đề khó khăn hàng đầu mà DN đang gặp phải, gồm: Tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động thị trường, tìm kiếm nhân sự, tìm kiếm đối tác kinh doanh… Đặc biệt, hiện nay DN đang rất khát vốn, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang quá cao...
Ngoài chính sách giãn, hoãn tiền thuế, DN còn mong muốn được hỗ trợ thêm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Để có đủ lực vượt qua khó khăn và bứt phá trong năm mới, ngoài chính sách hỗ trợ này, DN mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách dễ dàng, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất. Mặt khác, nhiều thủ tục hành chính vẫn đang làm khó DN, nhất là thủ tục cấp phép đầu tư có quá nhiều Bộ ngành tham gia, mất đi sự nhanh nhạy để đầu tư kịp thời, mất cơ hội đầu tư của DN. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm chí phí trung gian; tăng cường hậu kiểm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách đẩy mạnh đầu tư công, khuyến khích các hình thức kinh doanh mới…
18:39 12/02/2023