Giảm giờ lái xe để ngăn tai nạn
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy, 80% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển sử dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, không chú ý quan sát gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đáng chú ý, khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (từ 0h - 6h). Thời điểm này đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, mệt mỏi, điều khiển xe trong trạng thái buồn ngủ. Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách, xe tải có tỷ lệ thấp hơn so với xe máy nhưng khi xảy ra lại rất nguy hiểm do chở nhiều người.
Do đó, tại dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến Nhân dân có quy định, một ngày, tài xế không được cầm lái quá 8 tiếng, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3 tiếng, thời gian nghỉ tối thiểu 30 phút.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc giảm giờ lái xe sẽ kiểm soát chặt và tạo điều kiện thuận lợi để tài xế có sức khỏe, tỉnh táo khi chạy xe, ngăn chặn tai nạn giao thông.
Cần quy trách nhiệm về giờ lái với từng DN, xử nghiêm, phạt nặng đối với hành vi cố tình vi phạm hay lách luật.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Sinh Quyền
Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ nhà xe khách cố định Hùng Hạnh chạy tuyến TP Hồ Chí Minh – TP Hà Nội cho biết: “Mỗi lượt xe, chúng tôi có 2 lái với thời gian xe di chuyển khoảng 37 giờ đồng hồ tính cả lúc nghỉ ngơi. Như vậy, theo dự thảo mới, mỗi chuyến xe phải tăng thêm ít nhất là 1 lái, thời gian di chuyển cũng tăng thêm 3 giờ đồng hồ”.
Anh Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nếu phương tiện muốn di chuyển đúng giờ như trước, phải tăng thêm 2 lái xe mỗi chuyến. Như vậy, chi phí sẽ rất cao cũng như khó khăn trong công tác tuyển dụng.
Anh Vi Văn Hà, lái xe vận tải vật liệu xây dựng cho biết: “Chúng tôi chủ yếu hoạt động vào ban đêm, còn ban ngày thì nghỉ. Theo dự thảo luật mới, thì mỗi đêm, chúng tôi chỉ được làm việc liên tục 3 giờ đồng hồ xong lại nghỉ. Như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến công việc cũng như cuộc sống. Khi giờ làm việc giảm, năng suất giảm, chắc chắn thu nhập cũng sẽ giảm theo”.
Theo anh Hà, cần chia nhỏ các loại hình vận tải để áp dụng giờ lái với các lái xe khác nhau. Như vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và quãng đường khác nhau cũng áp dụng quy định giờ lái khác nhau.
Đại diện một DN vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Cao Bằng chia sẻ: “Mỗi chuyến xe chúng tôi có 1 lái và 1 phụ. Quãng đường di chuyển mất 5 giờ đồng hồ. Theo quy định mới, tài xế này sẽ không còn đủ thời gian để lái lượt quay lại. Như vậy sẽ phát sinh chi phí thuê thêm 1 tài xế nữa cho mỗi chuyến xe”.
Vị này nhìn nhận, quy định khung giờ lái xe không chỉ phát sinh chi phí thuê tài xế, mà việc dừng nghỉ cũng đang khiến các nhà xe băn khoăn khi hết giờ lái thì tài xế đưa xe vào đâu nghỉ khi nhiều tuyến đường không có trạm dừng nghỉ, cũng như không có đủ điều kiện để dừng xe nghỉ ngơi.
Còn những băn khoăn
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Sinh Quyền cho rằng, về lâu dài, việc giảm giờ lái xe là hoàn toàn phù hợp. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng khung giờ này đối với tài xế. Việc này trước tiên sẽ nâng cao mức an toàn cho lái xe, hành khách cũng như giảm thiểu những thiệt hại về tài sản cho DN.
Dự thảo Luật Đường bộ điều chỉnh thời gian lái xe liên tục từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau có nhiều điểm bất hợp lý. Nguyên nhân là người vận tải chuyên nghiệp thường làm thủ tục giao nhận hàng vào ban ngày. Ban đêm xe tải hoạt động nhiều vì khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ va chạm giao thông và độ hao mòn lốp. Nếu quy định này ban hành sẽ có một lượng đáng kể xe chạy khung giờ 22h - 6h chuyển sang 6h - 22h để tài xế được chạy liên tục 4 giờ. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền
“Việc quy định lái xe cần được nghỉ ngơi sau 4 tiếng lái xe và không được lái xe quá 8 tiếng/ngày sẽ bảo đảm sức khỏe của tài xế, việc lái xe sẽ an toàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3 tiếng nên rút ngắn thành từ 0h đến 6h” - ông Bùi Sinh Quyền chia sẻ. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc áp dụng quy định này cũng đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý như: làm thế nào để giám sát hiệu quả việc tài xế nghỉ ngơi đúng giờ, đúng quy định?
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhìn nhận, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc giảm giờ lái đối với tài xế. Hoạt động vận tải phải được diễn ra liên tục, thông suốt. Việc áp dụng khung giờ lái đối với tài xế sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đi lại cũng như sản xuất.
“Ví dụ, xe container vận chuyển nông sản, thủy hải sản… luôn bị giới hạn tốc độ thấp so với những loại xe con khi đi trên đường nên thường mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành quãng đường tương đương. Do đó, nếu cấm lái xe quá 3 giờ trong đêm rất khó cho lái xe có thể kịp giao hàng. Đặc thù container sẽ bị cấm vào trung tâm TP theo giờ vào buổi sáng nên việc lái xe không quá 3 giờ ban đêm sẽ gây rất nhiều khó khăn để kịp giao hàng trước giờ cấm” - ông Bùi Danh Liên cho hay.
Một số xe tải cỡ lớn chủ yếu di chuyển vào ban đêm, việc này nhằm tránh tắc đường, nếu cấm lái xe quá 3 giờ vào ban đêm đi vào thực hiện, nhiều xe sẽ chuyển sang chạy ban ngày hoặc vào buổi tối. Việc này dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc ở các cửa ngõ TP lớn hay nhiều tuyến đường cấm theo giờ.
“Trước đây, Việt Nam đã có quy định về việc lái xe không quá 10 tiếng mỗi ngày, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả cao, tài xế và DN vẫn tìm cách lách luật để hoạt động. Cần áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý như tích hợp vào hệ thống camera hành trình, bố trí điểm dừng nghỉ tại các tuyến đường để bảo đảm an toàn giao thông” – ông Bùi Danh Liên nói.
Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định lái xe không quá 10 giờ trong ngày là phù hợp. Nếu điều chỉnh quy định thời gian lái xe kinh doanh vận tải như dự thảo sẽ làm tăng chi phí cho DN cũng như hạn chế việc di chuyển cũng như giao thương của người dân. Vấn đề được đặt ra là quản lý sao cho hiệu quả, chặt chẽ. Để bảo đảm an toàn giao thông, cần nâng cao trách nhiệm của DN trong việc bảo đảm sức khỏe cho lái xe cũng như nâng cao ý thức của chính tài xế.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên