Theo các chuyên gia, nếu không quyết liệt, chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại Hà Nội vẫn mãi ở dạng… kế hoạch.
Thở cùng… khói, bụiThực hiện Quyết định 130 của Thủ tướng, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với vai trò phối hợp của các sở. Cho đến nay, đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá, phân tích và phân loại được 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó làm căn cứ để Sở TN&MT là cơ quan chủ trì lập danh mục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, rà soát tổng hợp được nhu cầu sử dụng đất để bố trí giới thiệu cho các cơ sở trong diện di dời.
Hiện Hà Nội xác định 17 ngành nghề sản xuất công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường về không khí, nước thải, lưu lượng dòng thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở. Tính đến thời điểm thực hiện quan trắc vẫn chưa có đơn vị quan trắc được Bộ TN&MT cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với khí thải ống khói theo Nghị định 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ. Do vậy, Sở TN&MT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Trung tâm quan trắc và các đơn vị có chức năng tổ chức khác triển khai đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đối với nước thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp theo đúng các chỉ tiêu cần quan trắc, đánh giá được quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BTTMT, chưa thực hiện đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đối với khí thải, tiếng ồn, độ rung.
|
Nhà máy CP Dệt 10/10. Ảnh: Vũ Cúc |
Dù vậy, thực tiễn, tốc độ di dời một số cơ sở gây ô nhiễm nội đô còn chậm. Theo bà Võ Thị Huệ - Tổ trưởng Tổ dân phố 15A phường Vĩnh Tuy, tình trạng ô nhiễm gây ra bởi Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân - 524 Minh Khai ngày càng nghiêm trọng. Bụi than, bụi bồ hóng, sợi vải, bụi long và khói từ hoạt động sản xuất của nhà máy đã khiến nhiều người dân có dấu hiệu mắc bệnh về xoang, ung thư. Trước những bất an đe dọa môi trường sống, tại nhiều lần họp tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh tới chính quyền sở tại, cơ quan chức năng nhưng hoạt động sản xuất của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn mở rộng quy mô. Trước kia nhà máy có 3 ống khói thì nay đã thành 5. Dù nhà máy cam kết sẽ sử dụng công nghệ đốt lò hiện đại của Nhật để giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, khi người dân yêu cầu được thị sát thì đơn vị này vẫn đốt lò bằng những chất độc hại có mùi lạ.
Mới đây, hơn 50 hộ dân thuộc địa bàn dân cư số 15, đồng loạt ký đơn kiến nghị UBND phường Vĩnh Tuy sớm có biện pháp xử lý tình trạng Công ty Dệt kim Đông Xuân xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Nội dung đơn cho biết: Tổ dân phố 15A, địa bàn dân cư số 15 đã rất nhiều lần có ý kiến trực tiếp với ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân và có ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp về tình trạng ô nhiễm này, nhưng đến nay không có sự chuyển biến.
Tương tự, Công ty CP Dệt 10/10 tại số 253, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cũng nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, hiện nay công ty này vẫn có hàng trăm công nhân đang sản xuất màn tuyn. Đặt câu hỏi với đại diện công ty về công trình xử lý nước thải, thì nhận được câu trả lời “không có”, mà chỉ có đường ống dẫn thẳng ra sông Kim Ngưu (?!)
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE): Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô là việc làm cấp thiết hiện nay. Kinh nghiệm các nước không ai để cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô. Bởi, sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Quy định đã có, cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm việc này. Nếu những DN còn chây ì chưa di chuyển thì cần có chế tài xử lý triệt để, thậm chí cưỡng chế hoặc đóng cửa DN. Nếu như DN gặp khó khăn trong quá trình di dời thì có thể kiến nghị Nhà nước hỗ trợ về quỹ đất, vay vốn… để khôi phục sản xuất.
Trao cơ chế cho Hà NộiTừ trường hợp gây ô nhiễm môi trường nêu trên, đại diện Sở TN&MT Hà Nội (xin được giấu tên) cũng cho rằng, việc khó di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm một phần cũng vì có quá nhiều DN trong diện phải di dời là DN nhà nước. Việc di dời các DN này không hề đơn giản, thậm chí là vượt quá sức của Sở TN&MT TP. Bởi, hầu hết các cơ sở trong diện di dời đều đã đi vào hoạt động hàng chục năm, nhà đầu tư đã bỏ rất nhiều vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi chuyển đi, một số trang thiết bị phải bỏ lại, nhà đầu tư phải tự bỏ vốn mua đất do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Ngoài ra, tình trạng lao động nghỉ việc sẽ diễn ra – DN đối diện hàng loạt khó khăn khi mọi chi phí tăng. Tuy nhiên, mới đây Sở đã cương quyết chỉ đạo các cơ sở sản xuất ô nhiêm phải di dời sớm theo lộ trình TP và Chính phủ phê duyệt, không thể tiếp tục gia hạn thêm. Trường hợp các cơ sở cố tình vi phạm chủ trương sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế theo mệnh lệnh hành chính.
Trao đổi về vấn đề này, KTS Ðào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, việc di dời một số cơ sở công nghiệp, BV, trường đại học, cao đẳng và bộ, ngành ra khỏi nội đô là vấn đề được định hướng từ quy hoạch năm 1998. Ðến 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức lộ trình di dời. Ðặc biệt, cơ sở công nghiệp đã rà soát kỹ và thực hiện di dời một số trụ sở. Vấn đề tồn tại là sau khi các đơn vị di dời xong thì trụ sở cũ sử dụng thế nào? Ðất cũ trong định hướng quy hoạch là xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh… nhưng cơ chế bàn giao như thế nào cho Hà Nội lại thiếu? Tinh thần chủ trương là cần thiết, tuy nhiên giải pháp xác định nguồn lực chưa có chế tài nhất định.
Giới chuyên môn quy hoạch đô thị phân tích, trước đây, đã có Quyết định 94 về chính sách ưu đãi cho di dời các cơ sở công nghiệp. Cụ thể, nếu các đơn vị đồng ý di chuyển ra địa điểm được bố trí sẽ có ưu tiên về giá đất, tạo điều kiện giúp đỡ khi bàn giao. Hà Nội ủng hộ nếu các đơn vị chọn chủ đầu tư có năng lực triển khai xây dựng lại vị trí mới, để những đơn vị này có khoản thu nhất định mà vẫn tuân thủ quy hoạch. Thế nhưng, đến nay, cơ chế ưu đãi ra sao lại chưa rõ ràng, thuyết phục. Đây là một quá trình phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực. Do vậy từ chủ trương đến giải pháp đòi hỏi sự tích hợp cao và vai trò của Chính phủ có ý nghĩa quyết định.
“Mặc dù đã có lộ trình nhưng xác định nguồn lực và xác định khai thác sử dụng đất trên địa bàn, Hà Nội chưa được giao cơ chế đặc thù. Do đó, cần cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và Hà Nội, Nhà nước phải can thiệp vào xác định nguồn lực để có chính sách cụ thể. Nếu không xác định được nguồn lực thì khó hiện thực hóa được tinh thần tốt đẹp của chính sách này” - KTS Ðào Ngọc Nghiêm cho biết.