Di dời bộ, ngành, trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội: Đủng đỉnh đến bao giờ? - Bài 5: Giải bài toán nguồn lực vốn

Vân Hằng – Vũ Cúc - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về mặt chủ trương của Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015, các chuyên gia và đơn vị trong danh sách di dời đều khẳng định tính đúng đắn.

Tuy nhiên, những trăn trở liên quan đến nguồn lực, các đề xuất dung hòa giữa yếu tố thực tế và tinh thần tốt đẹp của Quyết định 130 cũng cần phải bàn tính. 
Lợi thì có lợi, nhưng…

Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ trương đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường học, bệnh viện (BV), bộ ngành ra nội đô Hà Nội mà Chính phủ đề ra là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tiễn còn khoảng cách khá xa. Đây là nhiệm vụ quan trọng, vì thế cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của TP, các bộ, ngành T.Ư. Đồng thời, quyết tâm thay đổi về công tác tư tưởng của các cơ sở để phát triển Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân nhận định, hiện nay, các trường lớn, trọng điểm đều đã được quy hoạch khu vực đào tạo và nghiên cứu mới. Tuy nhiên, cái khó là thiếu nguồn lực để triển khai. Ngân sách Nhà nước cấp cho đầu tư cơ bản khó khăn. Bản thân các trường không thể có kinh phí lớn vì trong suốt thời gian dài nguồn thu lớn là học phí thấp. Với cơ chế tự chủ hiện nay, tới đây có thể một số trường có nguồn thu tốt, tích lũy tốt có khả năng đi vay ngân hàng. Nhưng việc này cũng phải lộ trình 5 năm nữa mới thực hiện được. Việc di dời rất đặc thù. GD&ĐT tích lũy được rất ít và khó có lợi nhuận bởi đầu tư, nên vẫn cần cơ chế của Nhà nước. Mỗi trường có chính sách riêng, nên cần nghiên cứu đề án cho phù hợp.

Bệnh viện Phụ sản T.Ư nằm trong diện di dời khỏi nội đô.  Ảnh: Phạm Hùng

Về nguyên nhân chậm di dời, nhiều DN, các cơ sở ô nhiễm lý giải do chưa có chính sách ưu đãi thuế về đất đai, thuế thu nhập DN cho các cơ sở di dời đến địa điểm mới (miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập DN); về thủ tục hành chính, việc lập hồ sơ thu hồi đất, chuyển nhượng, quyền sử dụng đất vẫn áp dụng theo thủ tục hành chính thông thường mà không có cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện.

Khi phân tích về những nút thắt khó khăn, Viện trưởng Viện Đại học (ĐH) Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng lấy chính ĐH Mở Hà Nội làm ví dụ. Thực tế, cơ sở của trường hiện đang rất phân tán. Ngoài địa điểm 1.400m2 tại phố Nguyễn Hiền, trường chưa được cấp theo đất theo đúng quy mô đào tạo. Nhà trường đã xin được một khu đất tại tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, hiện tại mới ở giai đoạn GPMB. Vẫn còn câu hỏi băn khoăn: Liệu mục đích di dời dân cư trẻ ra khỏi nội đô để giảm áp lực giao thông, giảm các áp lực xã hội khác có khả thi hay không? Chưa nói đến việc liệu sau khi di dời các trường ĐH, các khu đất có biến thành những khu đô thị mới hay không? ĐH Mở cũng đã 3 lần được TP quy hoạch cấp đất ra địa điểm mới tại Hòa Lạc, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, nhưng theo gói cùng với một số trường ĐH lớn như ĐH Quốc gia, ĐH Bách Khoa. Những khu đất này, TP lại giao cho các trường lớn chủ trì làm hạ tầng cơ sở, nên các trường nằm trong quy hoạch bị phụ thuộc.

“Đây là nút thắt trong việc di dời các trường ĐH ra nội đô. Muốn gỡ, TP nên chủ động làm đầy đủ hạ tầng tại khu vực đã quy hoạch. Sau đó, phân cho từng trường để họ tự chủ trong việc kiến thiết, xây dựng trường theo quy hoạch được duyệt. Đặc biệt, hiện nay, Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề tự chủ của các trường, thì đây là cơ hội tốt nhất để các trường thể hiện tính năng động, tự chủ của mình” – ông Tùng đề xuất.

Cùng chung khó khăn, ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc BV Xanh Pôn cho biết, hiện tại, BV Xanh Pôn đã được Hà Nội giao đất tại huyện Thạch Thất xây dựng cơ sở 2. Tuy nhiên, tiến độ phụ thuộc hoàn toàn vào dự án đầu tư của Sở Y tế và Sở KH&ĐT Hà Nội, BV chỉ có nhiệm vụ phối hợp chứ không phải là chủ đầu tư dự án, nên không chủ động được tiến độ. Chủ trương mở rộng cơ sở của BV ra ngoại thành là điều BV Xanh Pôn mong muốn, song phải cân đối nhiều yếu tố của thực tế.

Cộng lực nhiều phương án

Thực tế, một chủ trương đúng nhưng thực hiện vừa kéo dài, vừa đạt chất lượng kém sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến quá trình đề ra và triển khai các chủ trương mới. Tựu chung lại, căn nguyên lớn nhất khiến công tác di dời theo Quyết định 130 của Chính phủ xuất phát từ câu hỏi: “Tiền đâu đầu tư?”. Trong khi kinh phí ngân sách hạn hẹp, để huy động được nguồn vốn lớn, Nhà nước nên kêu gọi xã hội hóa. Vốn Nhà nước chỉ có thể là vốn mồi. Nhà nước hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa, còn các đơn vị trong diện di dời cần tận dụng nguồn lực những định chế tài chính trong nước, quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở hai.

“Có nhiều trường thực hiện cơ chế xã hội hóa rất tốt vì có nhiều nguồn lực, nguồn thu từ xã hội. Và, có thể chuyển đổi hạ tầng đất trong nội thành để lấy hạ tầng bên ngoài. Hoặc, những trường có tự chủ tài chính, đào tạo các nghề có thể thu được học phí cao hoàn toàn vay được vốn đầu tư, sau đó trả dần. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư vào một số trường lớn” - ông Lê Quân phân tích.

Giới chuyên môn về quy hoạch - xây dựng cũng thẳng thắn nêu quan điểm, không nên giữ lại các cơ sở bộ, ngành, trường học cũ, cơ sở sản xuất để tiếp tục phục vụ hoạt động. Bởi, đất đai là sở hữu toàn dân và phải cân nhắc lợi ích của xã hội, cũng như phải tùy hoàn cảnh và điều kiện cụ thể. Không thể đòi hỏi có cơ sở vật chất tốt ở bên ngoài mà vẫn duy trì quỹ đất cũ trong khu vực trung tâm TP. Nhất là khi ở nội đô đang rất thiếu đất để phục vụ hạ tầng an sinh, công viên cây xanh, giải trí, thể dục thể thao và các hoạt động khác.

Điểm sáng của việc di dời trường học, theo Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng, là cơ hội để hình thành các khu Student City. Thủ đô của bất kỳ quốc gia nào cũng đều là trung tâm văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật của cả một đất nước. Nhìn vào, sẽ thấy các cơ quan của Chính phủ, đầu não của các ngành, các khối khoa học như trường ĐH, viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng. Do vậy, muốn hay không, Hà Nội phải có những cơ quan này hiện diện. Đối với các trường ĐH, TP nên có một khu tập trung, có thể gọi đó là khu đô thị khoa học - kỹ thuật. Ở nhiều TP trên thế giới, đều có khu gọi là Student City - là nơi ghi dấu ấn của tuổi trẻ, sự phấn đấu, hoài bão, sự chăm sóc của xã hội với sinh viên, và đấy cũng là bộ mặt của TP. Việc di dời một bộ phận các trường ĐH ra ngoài trung tâm là thời cơ hợp lý để Hà Nội thực hiện được điều này.

Trong khi đó, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân của HĐND TP đề ra, hầu hết các lãnh đạo BV đều mong muốn có cơ sở hai. Tuy nhiên, để mở rộng phải có đất và đất ở vị trí như thế nào cho hợp lý. Tất cả cần tính toán kỹ trong một dự án quy hoạch lớn. Để cuối cùng phải đạt được mục tiêu là đầu tư cơ sở hợp lý và tận dụng được tối đa tài nguyên về đầu tư mang lại lợi ích cho người bệnh. Quy hoạch mạng lưới BV hợp lý là phân vùng BV, mỗi BV chịu trách nhiệm một vùng dân cư. Nhà nước nên tính làm sao có khoảng cách khi người dân cần cấp cứu sẽ tiếp cận được cơ sở y tế gần nhất.

Mối quan tâm hàng đầu đối với người dân là ăn ở, học hành, khám chữa bệnh. Đối với y tế, là những cơ sở chăm sóc và khám chữa bệnh ban đầu, đối với giáo dục là hệ mầm non, tiểu học. Còn lại, không nên tập trung ở gần khu dân cư. Trong khu đô thị lõi là 4 quận nội thành chỉ nên bố trí các trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu và trung tâm dịch tễ. Riêng các BV đa khoa, nên quy hoạch theo cụm dân cư, BV chuyên khoa quy hoạch theo mạng lưới và BV tuyến cuối nếu đầu tư xây dựng mới, xa khu dân cư, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và giao thông.

Phó Giám đốc BV K Phạm Lương An

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần