Các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô nhằm đảm bảo đảm quy hoạch cũng như công tác bảo đảm kết nối giao thông.
Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo TP việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô. Lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội chia sẻ, việc thực hiện và đưa ra định hướng triển khai các dự án đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã được TP Hà Nội và Bộ GTVT cơ bản thống nhất. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn 2050, hệ thống đường sắt quốc gia trên địa bàn Hà Nội sẽ được thực hiện theo mô hình hướng tâm và tiếp cận đến các đường vành đai.
Với mục tiêu này, các trục hướng tâm Hà Nội sẽ kết nối trực tiếp với đường vành đai, do vậy các tuyến đường sắt quốc gia không tổ chức đi xuyên tâm TP. Trong khi mạng lưới đường sắt trên trục Bắc - Nam, Bộ GTVT đã thống nhất với UBND TP Hà Nội về hướng tuyến và ga đầu mối. Cụ thể, mở rộng tổ hợp nhà ga Ngọc Hồi (Thanh Trì) để vừa tích hợp nhà ga vừa là depot, trạm bảo dưỡng ... của cả các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị... Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ dừng ở ga Ngọc Hồi, không đi vào ga Hà Nội.
Với hệ thống đường sắt đô thị nội đô, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, bố trí thêm các tuyến trên dọc các hành lang có mật độ dân cư đông, tập trung việc làm cũng như các dịch vụ thương mại, với các đầu mối giao thông như cảng hàng không, ga đường sắt lớn. Cũng theo mục tiêu thực hiện trên, ga Hà Nội sẽ được xây dựng theo hướng ga cao tầng và trở thành ga nội đô, có nhiệm vụ là nhà ga kết nối, trung chuyển khách cho các tuyến đường sắt đô thị.
Theo Sở GTVT Hà Nội, từ nay đến năm 2035 TP sẽ thực hiện và hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó ga Hà Nội là ga tiếp nhận, vận chuyển khách chính của các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến số 1). Với mạng lưới 8 tuyến đường sắt còn lại gồm: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai (tuyến số 2A); Nội Bài - Nam Thăng Long - Bờ Hồ (tuyến số 2); Mê Linh - Vĩnh Tuy - Thượng Đình (tuyến số 4); Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5); Nội Bài - Ngọc Hồi (tuyến số 6); Mê Linh - Nhổn - Dương Nội (tuyến số 7); Sơn Đồng - Mai Dịch - Lĩnh Nam (tuyến số 8); Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai (tuyến số 9), ga Hà Nội sẽ là ga vận chuyển, kết nối khách.
Không gian đô thị khu vực trung tâm TP Hà Nội nay đã quá ngột ngạt nhưng lại có nhà ga và hệ thống đường sắt nên luôn trong tình trạng “căng thẳng” giao thông. Ga Hà Nội bị bủa vây bởi quá nhiều nút giao thông, xung quanh thường tắc đường, hành khách di chuyển đến nhà ga cũng khá vất vả.
Nhiều ý kiến cho rằng, các tuyến đường sắt quốc gia di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội trở thành ga đường sắt nội đô là cần thiết. Việc này vừa nhằm bảo đảm quy hoạch cũng như công tác kết nối giao thông. Chị Nguyễn Kiều My trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Việc Hà Nội dời các tuyến đường sắt quốc gia tới Ngọc Ngồi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông. Người dân đi lại được thuận tiện hơn, không phải chờ đợi mỗi lần tàu đi qua gây ùn tắc”.
Theo chị My, hiện nay đường sắt quốc gia chủ yếu sử dụng để vận tải hàng hóa. Việc còn giữ đường sắt sâu trong nội thành sẽ kéo theo hàng loạt các phương tiện khác ra vào để vận chuyển hàng hóa, hành khách càng gây áp lực giao thông. “Mỗi lần tàu đi qua, tùy từng khu vực mà tôi chứng kiến tại nơi đường sắt giao cắt với đường bộ thường tắc đường vì người và phương tiện phải dừng chờ khoảng từ 5-10 phút, giờ cao điểm có khi phải chờ từ 15-20 phút. Nếu thống kê những tổn thất sẽ không nhỏ, chưa kể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, ra đường cứ phải lo chờ tàu bất kể nắng mưa” - chị Nguyễn Kiều My chia sẻ.
Theo thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành, tai nạn đường sắt có xu hướng gia tăng phức tạp. Hà Nội hiện có 10 km đường sắt liên tỉnh xuyên tâm với rất nhiều đường ngang giao cắt. Đây là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt. “Việc di dời ga đường sắt ra khỏi nội thành sẽ xóa bỏ các nút giao xung đột gây ùn tắc. Di dời ở đây có nghĩa là điều chỉnh chức năng hoạt động của ga, chứ không thể phá bỏ, di chuyển nhà ga. Ga Hà Nội vẫn sẽ đảm nhiệm công việc đón, đưa hành khách trong nội đô” - thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ.
Còn theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan, việc di dời phải được tính toán lộ trình, có nhà ga để thay thế ga Hà Nội, ga Giáp Bát và một số deport của đường sắt như Xí nghiệp đầu máy, xí nghiệp toa xe Hà Nội cũng phải có khu vực làm việc dưới Ngọc Hồi.
07:59 04/04/2024