Di dời chợ tạm Nhà Xanh Tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch của UBND quận Cầu Giấy, từ ngày 10/2/2014, tất cả tiểu thương hiện buôn bán, kinh doanh tại chợ tạm Nhà Xanh (phố Phan Văn Trường) sẽ phải di chuyển về chợ Nhà Xanh mới trên đường Phạm Tuấn Tài.

Tuy nhiên, hiện nhiều tiểu thương đang phản đối kế hoạch này, và việc giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi công bằng cho các hộ dân hiện vẫn đang là bài toán không dễ tìm lời giải.

Chợ tạm và nỗi lo của tiểu thương

Chợ tạm Nhà Xanh trên phố Phan Văn Trường đã tồn tại từ những năm 1980, và đặc biệt náo nhiệt trong khoảng 10 năm trở lại đây. Người buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong từ nhiều khu chợ khác đổ xô về "miền đất hứa" này. Chị Thu Hiền, chủ ki ốt buôn bán các mặt hàng da giày tại khu B của chợ cho biết, là một chợ nhỏ nhưng lượng khách ghé chợ mỗi ngày lên tới hàng ngàn lượt, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên. Người mua nhiều mà người ghé chợ xem cũng không ít. Việc kinh doanh tại chợ tạm Nhà Xanh của các hộ cho thu nhập khá.

Di dời chợ tạm Nhà Xanh Tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương - Ảnh 1

Sau khi nhận được thông tin về việc di chuyển tới chợ mới, nhiều tiểu thương tỏ ra khá băn khoăn. Các hộ kinh doanh cho rằng thời gian di dời chợ quá đột ngột, hơn nữa chợ vừa xảy ra cháy (ngày 16/12/2013) gây thiệt hại lớn về tài sản. Một vấn đề nữa mà phía các tiểu thương phản đối vì mặt bằng khu chợ mới nhỏ hơn nhưng giá thuê mặt bằng lại cao hơn chợ cũ. Chủ cửa hàng đồ len tại khu A chợ tạm Nhà Xanh cho biết, bản thân đã kinh doanh 24 năm tại khu chợ, giờ chuyển tới địa điểm mới, việc kinh doanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, kế hoạch di dời đưa ra quá gấp khiến các hộ không có thời gian chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh. "Ban Quản lý chợ Nghĩa Tân nói chuyển là làm luôn mà không thông báo rõ quyền lợi của các hộ kinh doanh ra sao..." - chủ cửa hàng giày dép Sài Gòn, hiện thuê địa điểm kinh doanh tại số 63 phố Phan Văn Trường nói.

Chị Trần Thị Hoà, một tiểu thương tại khu chợ băn khoăn: Khu chợ mới ở đường Phạm Tuấn Tài (phường Dịch Vọng Hậu) diện tích chỉ là 2,6m2/ki ốt (trong khi ở chợ cũ là 3 - 5m2/ki ốt) nhưng thu giá thuê mặt bằng lại bằng nhau. Các tiểu thương còn cho rằng, về số lượng gian hàng tại chợ mới quá ít trong khi các hộ kinh doanh thì nhiều. Do đó, các hộ kinh doanh phải giành nhau địa điểm và cuối cùng người được lợi chính là chủ đầu tư. Hơn nữa, chợ mới chỉ được kinh doanh trong vòng 5 năm và cũng là một chợ tạm. Họ muốn chuyển đến một địa điểm mới quy mô, ổn định chứ không thể chuyển từ chợ tạm này sang chợ tạm khác. "Chúng tôi cũng muốn chợ thuộc về BQL cũ (BQL chợ Nghĩa Tân - PV) chứ không phải là HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dịch Vọng..." - một tiểu thương đề xuất.

Giải tỏa theo quyết định của Thành phố

Sau vụ hỏa hoạn ngày 16/12/2013, chợ tạm Nhà Xanh vẫn sầm uất. Dọc phố Phan Văn Trường (hướng từ đường Xuân Thủy rẽ vào), những quầy hàng hóa mọc san sát nhau, bủa vây kín lối đi. Con phố lúc nào cũng đông nghịt. Vào giờ cao điểm, các phương tiện rú còi inh ỏi để "xin đường"... Việc đi lại khó khăn khiến người đi đường cảm thấy rất bức xúc. Bên cạnh đó, nguy cơ cháy nổ, mất an ninh trật tự luôn thường trực.

Ông Nguyễn Quang Hồng - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết: Chủ trương di dời chợ tạm tới địa điểm mới là đúng đắn và cần được thực hiện sớm nhằm góp phần giải quyết những vấn đề về trật tự đô thị trên địa bàn phường nói chung và khu chợ tạm Nhà Xanh nói riêng. Tuy nhiên, lãnh đạo quận Cầu Giấy và các đơn vị trực tiếp thực hiện đề án cần lưu tâm tới vấn đề lợi ích của các hộ kinh doanh tại chợ mới. UBND quận cũng cần có kế hoạch chi tiết để thông tin sớm tới người dân.

Trước những băn khoăn của tiểu thương về việc di dời chợ tạm Nhà Xanh sang địa điểm mới, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: "Việc di dời chợ thực hiện theo quyết định của UBND TP nhằm phục vụ cho dự án cải tạo phố Phan Văn Trường".

Liên quan tới mặt bằng và giá thuê tại chợ nhà Xanh mới, ông Trần Việt Hà cho biết, mặt bằng đã được bố trí theo quy hoạch, còn giá thuê mặt bằng thì theo quy định, UBND quận phải thông qua Sở Tài chính, quận không thể tự đưa ra giá cho thuê. Tuy nhiên, UBND quận sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tiểu thương trong quá trình di chuyển từ chợ cũ sang chợ mới. Cụ thể, tháng đầu tiên các tiểu thương không phải nộp tiền phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh (miễn nộp tiền phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh một năm kể từ ngày ký Hợp đồng với các hộ kinh doanh thiệt hại do cháy chợ). Các hộ có hợp đồng thuê chỗ không phải nộp phí sử dụng diện tích chỗ ngồi trong tháng đầu tiên; 6 tháng tiếp theo nộp theo mức thu tại Hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ tạm Nhà Xanh. Các tháng còn lại sẽ thực hiện nộp phí theo Quyết định 34/2009/QĐ-UBND ngày 9/1/2009 của UBND TP Hà Nội về việc thu phí chợ trên địa bàn TP; chủ đầu tư sẽ ban hành mức thu sau khi báo cáo Sở Tài chính thẩm định. "Đối với việc các tiểu thương yêu cầu chợ mới phải thuộc về quản lý của BQL chợ cũ (BQL chợ Nghĩa Tân) là không thể đáp ứng được. Bởi chợ mới được xây dựng trên phần đất của HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dịch Vọng nên phải do HTX này quản lý" - ông Trần Việt Hà nói.

Không thể phủ nhận, việc chuyển các hộ dân kinh doanh tại chợ tạm Nhà Xanh trên phố Phan Văn Trường tới chợ mới trên phố Phạm Tuấn Tài sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các hộ gia đình. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết, phù hợp với Kế hoạch cải tạo, mở rộng phố Phan Văn Trường (đã được UBND TP phê duyệt) và góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu trong "Năm trật tự và văn minh đô thị" của TP. Giải quyết hài hòa lợi ích cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm Nhà Xanh, phù hợp với những quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của mục đích xây dựng Thủ đô văn minh, sạch, đẹp là bài toán đòi hỏi UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần