Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành một biểu tượng nữ quyền sau 16 năm tại vị. Reuters dẫn lời nhà hoạt động nữ quyền người Đức Alice Schwarzer khẳng định: "Bà [Merkel] được phụ nữ trên toàn thế giới ngưỡng mộ, đây là di sản lớn của bà. Một phụ nữ chứng tỏ năng lực bằng lòng tự trọng và quyết tâm".
Bà Merkel là nữ lãnh đạo hiếm hoi của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), vốn chiếm đa số là nam giới. Tuy nhiên nữ chính trị gia 67 tuổi hiếm khi coi mình là một nhà nữ quyền và chỉ miễn cưỡng ủng hộ một số chính sách do các nhà nữ quyền thúc đẩy.
"Bà không dành 16 năm qua để thực hiện các hành động nữ quyền có sức ảnh hưởng lớn. Công bằng mà nói, bà ấy có khá nhiều mối quan tâm khác”, nhà hoạt động Schwarzer nói và lưu ý rằng bà Merkel vẫn ủng hộ các chính sách giúp phụ nữ như mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em do nhà nước tài trợ.
"Sự tồn tại của bà Merkel giống như một tuyên bố nữ quyền", Schwarzer nói.
Vào năm 2017, bà Merkel từng lảng tránh việc tự nhận là một nhà nữ quyền khi được gợi ý tại một sự kiện có sự tham gia của giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lúc bấy giờ - bà Christine Lagarde và Ivanka Trump, con gái Tổng thống Mỹ lúc đó - ông Donald Trump.
"Tôi không muốn trang trí cho bản thân với một danh hiệu tôi không thực sự có", bà Merkel nói.
Tuy nhiên, khi quãng thời gian cầm quyền sắp kết thúc, bà Merkel đã thay đổi quan điểm này khi nhắc lại sự kiện đó. "Tôi đã suy nghĩ về câu trả lời lâu hơn và đến giờ có thể nói: tất cả chúng ta nên là những người ủng hộ nữ quyền", bà Merkel phát biểu trong một sự kiện của nhà văn Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie – người có buổi nói truyện truyền cảm hứng TED "Tất cả chúng ta nên là những người ủng hộ nữ quyền" có tác động lan truyền lớn hồi năm 2013.
Tại buổi ra mắt bộ phim về câu chuyện của các nữ chính trị gia nổi bật ở Tây Đức thời hậu chiến vào tháng trước, bà Merkel bày tỏ sự thất vọng vì hiện phụ nữ vẫn chỉ chiếm 31% số ghế trong Quốc hội Đức. "Chúng tôi vẫn chưa đạt được sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới ở Đức. Còn nhiều việc phải làm", nữ Thủ tướng cho biết.
Nhà hoạt động Schwarzer nhớ lại rằng nước Đức chưa thực sự sẵn sàng cho nữ thủ tướng đầu tiên khi đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel thắng cử sát sao vào năm 2005, với người tiền nhiệm Gerhard Schroeder công khai bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của bà.
Tuy nhiên, thời gian đã trả lời tất cả. Bà Angela Merkel thậm chí đã có thể vượt qua Helmut Kohl để trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của nước Đức nếu tiếp tục ở lại nắm quyền cho tới tháng 12/2021.
“Có một câu chuyện vui ở Đức rằng: Một cậu bé hỏi mẹ ơi, đàn ông cũng có thể trở thành thủ tướng được không”, bà Schwarzer kể, dẫn chứng như một trong những việc thể hiện tầm ảnh hưởng của bà Merkel đối với người dân nước Đức.
Reuters dẫn lời Maria Luisa Schill, một cư dân của thị trấn Freiburg phía tây nam nước Đức, cho biết: "Bà [Merkel] đã làm rất nhiều để mở đường cho những người khác”. Trong khi đó, Lia, một cô bé 9 tuổi ở Berlin, nói rằng mình muốn trở thành thủ tướng một ngày nào đó. Bà Nancy, mẹ Lia khẳng định " Bà Merkel có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều người và đặc biệt là phụ nữ."
Cuộc bầu cử Đức đang nóng lên từng ngày. Tối 12/9, ba ứng cử viên thủ tướng hàng đầu của Đức gồm ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh đã có cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai trên kênh truyền hình ARD và ZDF.
Cuộc tranh luận lần này được các ứng cử viên hết sức coi trọng, bởi sự kiện diễn ra đúng 2 tuần trước khi nước Đức bước vào cuộc bầu cử Quốc hội, dự kiến vào ngày 26/9. Ngay khi kết thúc cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 26/9, bà Angela Merkel sẽ rút khỏi vị trí lãnh đạo nước Đức sau 4 nhiệm kỳ liên tục giữ vị trí thủ tướng.