Dịch tả lợn châu Phi tái xuất tại Đà Nẵng: Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm, không để “thịt bệnh” lên mâm cơm
Kinhtedothi - Dịch tả lợn châu Phi tái xuất tại Đà Nẵng, đặt ra yêu cầu cấp bách trong kiểm soát, xử lý. Ngành y tế cảnh báo nguy cơ sức khỏe, giới luật sư đề nghị xử lý nghiêm hành vi bán “thịt bệnh”, bảo vệ bữa cơm sạch và an toàn cho cộng đồng.

Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng tiêu hủy lợn chết do bị dịch tả lợn châu Phi.
Chủ động dập dịch từ gốc, không để lan rộng
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng, đến giữa tháng 7/2025, thành phố đã ghi nhận 4 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các xã Sông Kôn, Xuân Phú, Quảng Phú và Thăng Trường. Ổ dịch đầu tiên xuất hiện ngày 30/6 tại thôn Ra Đung (xã Sông Kôn), ổ mới nhất được phát hiện ngày 10/7 tại xã Quảng Phú.
Ngay sau khi phát hiện dịch, lực lượng thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp khống chế như: tiêu hủy lợn bệnh, tiêu độc khử trùng, khoanh vùng ổ dịch, giám sát vận chuyển, buôn bán và hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
“Phát hiện sớm - xử lý nhanh - khoanh vùng gọn” là nguyên tắc then chốt để ngăn dịch lan rộng và bảo vệ đàn vật nuôi toàn thành phố, đại diện Chi cục nhấn mạnh.


Lợn bệnh chết trôi trên sông tại Đà Nẵng.
Không lây sang người nhưng nguy cơ sức khỏe rất lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, một lãnh đạo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết: “Mặc dù virus dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, nhưng khi lợn mắc bệnh, sức đề kháng sẽ suy giảm nghiêm trọng, dễ nhiễm thêm nhiều bệnh nguy hiểm như liên cầu khuẩn, tai xanh, cúm, thương hàn, lở mồm long móng… Các tác nhân này hoàn toàn có thể truyền sang người nếu tiếp xúc hoặc tiêu thụ thịt nhiễm bệnh chưa được chế biến kỹ”.
Theo vị này, thịt từ lợn bệnh không chỉ kém chất lượng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, rối loạn tiêu hóa và nhiễm trùng nặng, đặc biệt đối với người già, trẻ nhỏ và người có bệnh nền.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần tuyệt đối lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát giết mổ, chứng nhận kiểm dịch và phải được chế biến đúng cách. “Không nên vì ham rẻ mà mua thịt trôi nổi, không rõ xuất xứ - đó là hành động đánh cược với sức khỏe cả gia đình” - vị này cảnh báo.
Kinh doanh thịt bệnh là vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Ở góc độ pháp lý, bà Trần Thị Minh Phương - Trợ lý Luật sư trưởng, Hãng luật MKLAW, nhấn mạnh: “Hành vi kinh doanh thịt lợn nhiễm bệnh là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt khi sản phẩm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.
Theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2025, người nào sản xuất hoặc buôn bán thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại cho sức khỏe hoặc tính mạng người tiêu dùng, có thể bị xử phạt tù từ 2 năm đến 20 năm, tùy mức độ hậu quả.
Bên cạnh đó, theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc từ động vật mắc bệnh sẽ bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, kèm theo các hình thức bổ sung như đình chỉ hoạt động, tịch thu và tiêu hủy sản phẩm.
“Luật pháp không chỉ có vai trò điều chỉnh hành vi mà còn là hàng rào đạo đức để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh đang rình rập, không thể chấp nhận việc vì lợi nhuận mà đánh đổi sự an toàn của xã hội” - bà Phương nêu rõ.
Cảnh giác nhưng không hoang mang
Dịch tả lợn châu Phi từng gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021. Việc dịch tái bùng phát trong năm 2025 là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết nâng cao trách nhiệm cộng đồng - từ hộ chăn nuôi, tiểu thương đến người tiêu dùng.
Người dân cần bình tĩnh, không hoang mang nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ thịt không bảo đảm an toàn, cần kịp thời báo cho cơ quan chức năng để kiểm tra và xử lý đúng quy định.
Giữ “bữa cơm sạch” là trách nhiệm của toàn xã hội
Dịch bệnh tuy bắt nguồn từ vật nuôi nhưng hậu quả có thể đổ dồn lên sức khỏe con người nếu khâu kiểm soát bị buông lỏng. Bảo vệ “bữa cơm sạch” không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà còn là bổn phận của mỗi người dân.
Kiểm soát chặt từ đầu vào - trang trại, giết mổ - đến đầu ra - chợ, bàn ăn - chính là giải pháp căn cơ để bảo vệ cộng đồng. Chỉ khi cả xã hội hành động cùng lúc, chúng ta mới có thể ngăn chặn dịch bệnh và giữ vững an toàn thực phẩm trong mọi gia đình.
Khuyến cáo 5 KHÔNG - 3 CẦN để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
5 KHÔNG:
1. Không mua thịt lợn trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
2. Không tiêu thụ thịt không có dấu kiểm soát giết mổ, chứng nhận kiểm dịch.
3. Không tích trữ, tàng trữ hoặc tiếp tay tiêu thụ thịt lợn nghi nhiễm bệnh.
4. Không giết mổ, vận chuyển lợn trái phép khi chưa có sự kiểm tra của thú y.
5. Không chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh dù đã từng được kiểm soát.

3 CẦN:
1. Cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm khi mua thịt lợn.
2. Cần nấu chín kỹ, tuyệt đối không ăn tái, sống các sản phẩm từ thịt lợn.
3. Cần thông báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ lợn bệnh.
Cảnh giác để không hoang mang, nhưng tuyệt đối không lơ là - đó là mệnh lệnh ứng phó hiệu quả nhất trước dịch bệnh đang rình rập.

Đà Nẵng: dịch tả lợn châu Phi diễn biến khó lường, phức tạp
Kinhtedothi - Hơn một tuần qua, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP Đà Nẵng đang diễn ra phức tạp, khó kiểm soát.

HĐND Thành phố Hà Nội chất vấn về quản lý an toàn thực phẩm, việc thực hiện cam kết của các sở, ngành
Kinhtedothi - Sáng 9/7, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề: tái chất vấn việc thực hiện kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP; chất vấn việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Quốc khánh 2/9
Kinhtedothi - Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025, toàn TP đã thành lập 609 đoàn kiểm tra, trong đó, tuyến TP 15 đoàn; 45 đoàn tuyến quận, huyện; 549 đoàn tuyến xã, phường.