Dịch viêm phổi Vũ Hán có thể “phá vỡ” thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất của Panjiva Research, Bắc Kinh có thể gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận thương mại sơ bộ với Washington khi dịch bệnh viêm phổi do virus corona lây lan mạnh.

Báo cáo được Panjiva Research công bố hôm 28/1 cho biết, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Bắc Kinh và Washington có thể chịu ảnh tiêu cực nếu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc và lây lan ra nhiều nước sẽ gây ra sự gián đoạn về nhu cầu trong dài hạn.
Tổng thống Mỹ Donal Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong cuộc găp tại Nhà Trắng hôm 15/1.
Các nhà phân tích của Panjiva Research lưu ý rằng, theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, Trung Quốc đã cam kết đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 88,3% lượng nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ Mỹ so với thời điểm đạt được trong năm 2017.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Panjiva Research cảnh báo trong báo cáo hôm 28/1 rằng “sự gián đoạn nhu cầu kéo dài có thể khiến việc hiện thực hóa các mục tiêu trên của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn”.
Những bình luận này được Panjiva Research đưa ra khi Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch viêm phổi do chủng virus mới họ corona (nCoV) đã lây nhiễm cho 5.900 người và khiến hơn 100 bệnh nhân thiệt mạng tại Trung Quốc. Dịch viêm phổi do virus nCoV bùng phát tại Trung Quốc và lây lan ra nhiều quốc gia đang gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu.
Dịch bệnh viêm phổi do virus corona đã lan rộng đến hơn 15 quốc gia kể từ khi nó xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối tháng 12, với số người chết tính tới ngày 29/1 là 132 và gần 6.000 người nhiễm virus nCoV. Tất cả các trường hợp tử vong được xác nhận cho đến nay đều ở Trung Quốc.
Để hạn chế sự lây lan của virus corona, Trung Quốc đã phong tỏa TP Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và nơi được cho là tâm điểm của dịch viêm phổi do virus nCoV, cũng như nhiều TP khác tại tỉnh này. Trong khi đó, Vũ Hán và Giang Tô là những trung tâm sản xuất gia công chính của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Theo một phân tích của Panjiva Research, hơn 450 nhà nhập khẩu Mỹ đều được cung cấp bởi các công ty tại tỉnh Hồ Bắc.
Tuy nhiên, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy virus corona có thể lây truyền qua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhà máy sản xuất toàn cầu Hon Hai Precision Industry của Foxconn tại Trịnh Châu là một trong năm công ty hàng đầu nhập khẩu vào Mỹ tại tỉnh Hồ Bắc.
Dịch bệnh đã lan rộng đến hơn 15 quốc gia kể từ khi nó xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019.
Giám đốc điều hành của Apple, ông  Tim Cook hôm 28/1cho biết, sự bùng phát của virus corona tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn công nghệ Mỹ tại nước này.
Phát biểu trong hội nghị trực tuyến của Apple hôm 28/1, ông Cook cho biết công ty có một số nhà cung cấp tại khu vực Vũ Hán, đồng thời lưu ý thêm rằng một số cơ sở sản xuất của họ tại các địa điểm khác sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 10/2, theo khuyến nghị của chính phủ Trung Quốc.
Apple có khoảng 10.000 nhân viên trực tiếp tại Trung Quốc, phụ trách hoạt động của công ty và bán lẻ tại thị trường này. Ngoài ra, chuỗi cung ứng của họ có vài triệu công nhân, chịu trách nhiệm sản xuất các sản phẩm như iPad, iPhone và Apple Watch.
Ông Scott Kennedy - cố vấn cao cấp và chủ tịch ủy thác kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona có thể sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh trở nên xao nhãng việc thực thi đúng cam kết trong Thỏa thuận thương mại sơ bộ vừa được ký kết với Washington.
“Mục tiêu của thỏa thuận thương mại sẽ bị lu mờ so với giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế trong nước trước cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, ông Kennedy viết dòng tweet.