Dịch vụ thanh toán điện tử: Cuộc đua chưa ngã ngũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những định chế giao dịch tiền điện tử đã thành danh như Paypal của eBay, hay Alipay của Alibaba, mạng xã hội Facebook đã đệ trình kế hoạch triển khai dịch vụ thanh toán này lên Ngân hàng T.Ư Ireland.

Diễn biến này cho thấy, cuộc đua cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử chưa ngã ngũ và tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng truyền thống.

Theo kế hoạch, Facebook sẽ cung cấp dịch các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán trực tuyến trên khắp châu Âu, thị trường tiềm năng của các dịch vụ tài chính phi ngân hàng. Trước đó, hãng Vodafone và Google đã gia nhập thị trường ví điện tử  nên nhiều người tỏ ra lo ngại với động thái được cho là nôn nóng của Facebook. Tuy nhiên, cách chọn đối tượng khách hàng là dân nhập cư làm việc tại các nước phát triển có nhu cầu gửi tiền về quê nhà ở các nước đang phát triển để cung cấp dịch vụ của "gã khổng lồ mới nổi" trong làng công nghệ thế giới được cho là thông minh hơn các đối thủ đi trước. Theo cách tính đơn giản, với mức phí khoảng 25 cent/1 USD kiều hối từ Đức về Ấn Độ, 100 triệu người dùng Facebook tại nước này có thể nhận được tiền luôn, trong khi hãng có thể thu về 177 triệu USD.
Dịch vụ thanh toán điện tử: Cuộc đua chưa ngã ngũ - Ảnh 1
Cùng với động thái của Facebook, sự bùng nổ của dịch vụ thanh toán và gửi tiền trên điện thoại di động thời gian qua đã trở thành những thách thức mới đối với các ngân hàng truyền thống. Sau sự ra mắt ấn tượng của dịch vụ ví điện tử Alipay Wallet hồi tháng 1/2013 của Alibaba - hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, và WeChat Payment của Tencent hồi tháng 8/2013, Baidu - hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên internet hàng đầu của nước này cũng ra mắt dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động. Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 6 công ty công nghệ đang khai thác dịch vụ ví điện tử với tổng lượng tiền giao dịch đến ngày 28/2 đã lên tới 80 tỷ USD.

Nguy cơ bị dịch vụ tiền gửi trực tuyến, di động "hút" nguồn tiền và tranh thị phần lớn đến mức các ngân hàng lớn Trung Quốc đã phải cầu cứu các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần khoảng 10 năm nữa để ví điện tử thay thế các giao dịch ngân hàng truyền thống. Nhất là trong bối cảnh, Bitcoin - một sản phẩm của hệ thống tài chính ảo và các vụ rò rỉ thông tin tài khoản giao dịch trực tuyến quy mô lớn tại Đức, Hàn Quốc… chưa thực sự tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Việc Mt. Gox - Sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới đề nghị Tòa án Tokyo (Nhật Bản) cho giải thể sau khi thừa nhận khó lấy lại được 850.000 Bitcoin bị đánh cắp do lỗ hổng an ninh hồi tháng 2 khiến những người lạc quan nhất vào tương lai của ví điện tử cũng phải suy nghĩ lại.