Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Điểm chuẩn vào lớp 10 tại Hà Nội: Cơ hội nào cho thí sinh trượt nguyện vọng 1?

Kinhtedothi - Từ ngày 3 - 5/8, thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 các trường công lập bắt đầu thực hiện thủ tục xác nhận nhập học. Điểm chuẩn năm nay được nhận xét cao hơn năm trước. Vậy cơ hội nào cho những thí sinh bị thiếu điểm, trượt cả hai nguyện vọng?
Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Ngoại ngữ Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại điểm thi trường THCS Dịch Vọng. Ảnh: Thanh Tùng
Điểm chuẩn tăng, phân hóa lớn
Theo bảng điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2020 – 2021 do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố ngày 31/7, THPT Chu Văn An là trường có mức điểm chuẩn cao nhất 43,25 điểm. Tiếp đó là trường THPT Kim Liên 41,5 điểm, Phan Đình Phùng và Thăng Long đều 40,5 điểm, Việt Đức 40 điểm... So với điểm chuẩn các năm trước, điểm chuẩn nhiều trường giảm từ 4 - 6 điểm; trường top dưới giảm mạnh hơn.
Bà Trần Thị Tuyến – Phó Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) giải đáp: Năm nay do dịch Covid-19 nên các em chỉ phải thi 3 môn thay vì 4 môn như năm 2019. Để đỗ vào lớp 10 trường THPT Chu Văn An, học sinh phải đạt điểm môn Toán và Ngữ văn từ 8,5 điểm, Ngoại ngữ 9,75 điểm. Năm 2020, chỉ tiêu của trường là 200 nhưng có tới hơn 2.000 hồ sơ. Nhà trường lọc thí sinh đạt điểm từ cao xuống thấp qua đó cho thấy chất lượng đầu vào rất cao.
Đồng tình với việc điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay cao hơn năm trước và có sự phân hóa lớn giữa các khu vực trên địa bàn TP và uy tín của từng trường, bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) phân tích: “Với trường THPT Yên Hòa, năm 2019 thi đầu vào 4 môn, điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 là 46,5 điểm; trung bình mỗi môn các em phải đạt từ 7,75 điểm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thí sinh chỉ phải thi 3 môn, điểm chuẩn là 40,25 điểm; trung bình mỗi môn là 8,05 điểm. Như vậy, điểm chuẩn từng môn năm nay đã cao hơn năm 2019. Đa số giáo viên và học sinh nhận định, điểm chuẩn cao hơn là do đề thi không quá khó”.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) cho rằng, điểm chuẩn năm nay cao hơn năm trước trung bình là 1 điểm, do các em sinh năm 2005 rất thông minh và bền bỉ, luôn cố gắng phát huy hết khả năng của mình trong kỳ thi. Vì thế, điểm thi môn Ngoại ngữ của thí sinh Hà Nội rất cao, học sinh trường Phan Đình Phùng đa số từ 9,0 – 9,5 điểm. Điểm trung bình mỗi môn vào lớp 10 của trường 8,25 điểm, cao hơn năm trước 0,55 điểm.
Vẫn còn cơ hội cho thí sinh thiếu điểm
Năm nay, Hà Nội có hơn 107.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ hơn 88.000 em dự thi vào lớp 10. Thực hiện kế hoạch phân luồng học sinh sau THCS, sẽ có khoảng 65.000 (62%) học sinh được vào các trường THPT công lập. Vì thế, ngay sau khi biết điểm chuẩn, không ít thí sinh trượt nguyện vọng (NV) 1 vô cùng lo lắng và hy vọng có một suất NV2. Hiệu trưởng trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân – lấy điểm chuẩn 39,25) Nguyễn Văn Túc cho biết: Theo lịch, ngày 3 - 5/8 các thí sinh trúng tuyển thực hiện xác nhận nhập học. Vì thế, lúc này, chúng tôi chưa thể biết được tuyển thiếu hay đủ học sinh. Còn theo ông Hoàng Văn Phú – Hiệu trưởng trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì): Khi duyệt điểm chuẩn, chúng tôi đã lường trước tình huống đưa ra điểm chuẩn phù hợp 29,25 để không phải hạ điểm.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, có những trường trước đó đã đăng ký tuyển chỉ tiêu dư hơn một chút (để phòng trừ thí sinh trúng nhưng không học) nên có thể sẽ không xét tuyển NV2. Đơn cử như trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên). “Điểm đầu vào của trường cao hơn năm trước một chút, do đề thi dễ hơn, các em học sinh cố gắng hơn. Chúng tôi đã tuyển dôi ra 5 em thành 545 chỉ tiêu nên sẽ không phải tuyển NV2”- Hiệu trưởng Lê Văn Dũng khẳng định. Trong khi đó, trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên) dự kiến sẽ tuyển thí sinh NV2. “Nhà trường có điểm chuẩn NV1 là 29 điểm, NV2 là 30,5. Những thí sinh nào đăng ký NV2 vào trường đạt từ 30,5 điểm đều có quyền nộp hồ sơ” – Phó Hiệu trưởng Đặng Anh Hiếu thông tin.
Với những trường hợp thí sinh bị trượt cả NV1 và NV2, lãnh đạo các trường THPT đưa ra lời khuyên theo hai hướng. Một là, chờ xem tới đây trường đăng ký NV1 có hạ điểm chuẩn không. Tất nhiên, thí sinh phải đạt được số điểm xấp xỉ với điểm chuẩn NV1 của nhà trường. Thứ hai, là chờ khi Sở GD&ĐT Hà Nội duyệt điểm chuẩn đợt hai, có cho phép trường nào xét tuyển đợt 3 không. Trong trường hợp cả hai hướng đều không được, các thí sinh vẫn còn cơ hội vào trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nên không phải quá lo lắng.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Giáo dục quyền con người trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Giáo dục quyền con người trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

12 May, 04:44 PM

Kinhtedothi – Giáo dục quyền con người không chỉ là một môn học mà là một quá trình thấm nhuần các giá trị nhân văn, dân chủ vào nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân. Việc đầu tư vào giáo dục quyền con người trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước.

Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ bằng tốt nghiệp THCS

Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ bằng tốt nghiệp THCS

12 May, 01:36 PM

Kinhtedothi – Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao hiệu trưởng xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình thay vì trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện cấp bằng như hiện nay.

Trường Đại học Kinh tế công bố 3 chuyên ngành mới

Trường Đại học Kinh tế công bố 3 chuyên ngành mới

11 May, 11:43 AM

Kinhtedothi - Ngày 10/5/2025, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đã tổ chức lễ công bố ba chuyên ngành đào tạo mới thuộc chương trình Cử nhân Kinh tế quốc tế.

Bài cuối: Lan tỏa tinh thần hiếu học trong Kỷ nguyên mới

Bài cuối: Lan tỏa tinh thần hiếu học trong Kỷ nguyên mới

11 May, 10:38 AM

Kinhtedothi - Hội Khuyến học các cấp phát huy truyền thống hiếu học của Hà Nội trong Kỷ nguyên mới, xây dựng các mô hình học tập. Từ các mô hình này lan tỏa ra cộng đồng dân cư để tạo thành phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội tập. Đây là khẳng định của Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh khi trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ