Reuters hôm 10/5 trích dẫn các nguồn thị trường và dữ liệu từ nền tảng phân tích tài chính Refinitiv Eikon cho biết, Nga đã thúc đẩy việc cung cấp dầu mỏ cho Mỹ Latinh trong bối cảnh bị Liên minh châu Âu (EU) và nhóm G7 áp biện pháp giá trần và cấm vận.
Theo số liệu của Refinitiv Eikon, hai chuyến hàng được bốc dỡ tại cảng Primorsk ở Baltic của Nga trong tháng 4 với khoảng 73.000 tấn dầu diesel đang trên đường đến cảng Guayacan ở Chile. Refinitiv Eikon cho biết, từ tháng 1 đến tháng 4, Nga đã xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn dầu diesel sang các nước Mỹ Latinh, chủ yếu là Brazil. Lượng dầu xuất khẩu của Nga sang khu vực này tăng mạnh so với mức 211.000 tấn trong cả năm ngoái.
Trong nhiều thập kỷ, Nga là nhà cung cấp dầu diesel chính cho châu Âu. Tuy nhiên, lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/2, khiến dầu diesel của Nga không chỉ được chuyển hướng sang châu Á, châu Phi và Trung Đông mà còn được vận chuyển đến châu Mỹ Latinh.
Theo Reuters, dầu diesel của Nga đang giành thị phần từ Mỹ, quốc gia vốn chiếm phần lớn lượng nhập khẩu dầu diesel của Brazil.
Vào tháng 2 năm nay, nhóm G7, EU và Australia đã áp đặt biện pháp trần giá với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga. Theo đó, dầu diesel sẽ chịu mức trần 100 USD/thùng. Còn với các sản phẩm khác, như dầu mazut, mức trần sẽ là 45 USD/thùng
Trước đó, G7 và EU đã áp trần giá 60 USD/thùng với dầu thô Nga, bắt đầu từ ngày 5/12/2022. Phương Tây đang tìm cách hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga, mà không làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng mạnh dù giảm sản lượng
Lượng dầu xuất khẩu của Nga bằng đường biển trong 4 tuần gần đây (tính đến ngày 5/5) tăng khoảng 180.000 thùng mỗi ngày lên 3,63 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Theo báo cáo vừa được Bloomberg công bố đầu tuần này, lượng dầu thô xuất khẩu của Nga vẫn tăng mạnh bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây và việc Moscow giảm sản lượng khai thác.
Dữ liệu cho thấy nguồn cung dầu Nga cho các khách hàng châu Á tính đến ngày 5/5 đã vọt lên mức 3,37 triệu thùng/ngày, tăng 124.000 thùng/ngày trong vòng 1 tuần.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga sang các nước châu Âu chỉ đạt mức 83.000 thùng/ngày, với Bulgaria là điểm đến duy nhất.
Bên cạnh đó, dầu thô Nga không được vận chuyển đến các nước Bắc Âu trong cùng thời điểm. Còn dòng chảy “vàng đen” của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ - khách hàng duy nhất của Moscow tại Địa Trung Hải, tăng lên mức cao nhất trong 10 tuần là 177.000 thùng/ngày.
Theo Bloomberg, sản lượng dầu mỏ Nga xuất khẩu sang châu Á cũng tăng mạnh, trong đó chủ yếu cung cấp cho Trung Quốc và Ấn Độ.
Tổng khối lượng dầu thô của Nga được vận chuyển bằng đường biển sang Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác đã tăng lên mức kỷ lục 3,55 triệu thùng/ngày.
Hồi tháng 2 năm nay, Moscow thông báo ngừng bán dầu và các sản phẩm xăng dầu cho các quốc gia ủng hộ biện pháp giá trần của phương Tây, đồng thời sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 đến hết năm 2023. Đây được coi là một động thái của Moscow nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tại thời điểm đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak lý giải nguyên nhân giảm sản lượng là do lệnh cấm nhập khẩu của EU và trần giá đối với các sản phẩm của quốc gia này.