Điểm lại những thảm họa, thiên tai dữ dội trong năm 2018

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2018, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã hứng chịu một loạt thảm họa thiên nhiên như nắng nóng bất thường, động đất và sóng thần, khiến nhiều người thiệt mạng, ảnh hưởng lớn tới đời sống.

Các thảm họa thiên nhiên diễn ra với tốc độ “leo thang” đáng báo động trong năm nay, chỉ cách vài tuần, thế giới lại chứng kiến trận động đất phá hủy toàn bộ một tỉnh, hay cháy rừng thiêu rụi hàng ngàn ngôi nhà, cùng với siêu bão gây ngập lụt và thiệt hại về tài sản.
Trong số đó, thảm họa kép động đất - sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia hôm 28/9 được đánh giá là có mức độ thiệt hại nghiêm trọng nhất trong năm 2018 với hơn 1.400 người chết.
  Thảm họa kép động đất - sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia hôm 28/9.
Đảo Sulawesi đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh 6,1 độ và 7,5 độ, cùng với sóng thần lớn cao tới 6m, gây nhiều thương vong, phá hủy nhiều nhà cửa, công trình xây dựng trong khu vực. Số người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán lên đến 48.000 người. Các nhà khoa học cho biết trận động đất kèm theo sóng thần này là một trong những thảm họa phức tạp nhất mà họ từng được chứng kiến. Một thảm họa sóng thần khác xảy ra tại Eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java, Indonesia tối ngày 22/12 đã khiến 280 người thiệt mạng, 850 người bị thương và 28 người mất tích..
Ít nhất 168 người đã thiệt mạng khi sóng thần tấn công các bãi biển gần eo biển Sunda ở Indonesia vào tối 22/12.
 Số người thiệt mạng trong thảm họa sóng thần hôm 22/12 tại Eo biển Sunda, Indonesia là 280 người.

Nguyên nhân gây sóng thần được cho là núi lửa Anak Krakatau phun trào. Trận sóng thần xảy ra bất ngờ vào ban đêm mà không có bất kỳ cảnh báo nào từ trước đã khiến người dân không kịp trở tay. Hàng trăm ngôi nhà đã bị đánh sập trong đêm.
Cũng tại châu Á, hơn 300 người đã thiệt mạng tại Nhật Bản riêng trong tháng 7 do các thảm họa tự nhiên. Hồi đầu tháng, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng ở phía tây khiến hơn 200 người chết.
 Hơn 300 người đã thiệt mạng tại Nhật Bản riêng trong tháng 7 do lũ lụt và sạt lở đất.
Ngay sau đó, nhiệt độ cao kỷ lục tới 40 độ C khiến hơn 100 người chết và hàng chục nghìn người phải nhập viện. Các chuyên gia môi trường cho rằng diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt và hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) làm Trái Đất ấm dần lên, gây băng tan và mực nước biển tăng cũng khiến nhiều khu vực hứng chịu các cơn bão mạnh, mưa lũ bất thường, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và lạnh giá kỷ lục. “Hiện chính phủ mới nhận ra sự cần thiết của việc giảm thiếu các tác động gây ra bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu” - theo Giáo sư danh dự Takashi Okuma, chuyên nghiên cứu thiên tai tại ĐH Niigata (Nhật). Cũng theo giới chuyên gia, các chính sách tái trồng rừng tại Nhật Bản làm cho nhiều đồi núi bị chặt hết cây cũ, thay bằng những cây mới có rễ ít có khả năng giữ nước, điều này làm trầm trọng hơn tình trạng sạt lở đất.
Trong khi đó, vụ cháy rừng Camp Fire kéo dài nhiều ngày tại bang California của Mỹ trong tháng 11 đã khiến hơn 60 người thiệt mạng và khoảng 630 người mất tích. Đây là con số thiệt hại về người lớn nhất trong lịch sử các vụ cháy rừng ở bang California. Cháy rừng đã càn quét California từ ngày 8/11, thiêu trụi khu vực 570km2, phá hủy hơn 11.860 công trình và nhà cửa.
  Vụ cháy rừng Camp Fire kéo dài nhiều ngày tại bang California của Mỹ.
Riêng tại thị trấn Paradise, gần 80% diện tích đất và gần 9.000 ngôi nhà đã bị thiêu trụi. Các chuyên gia lý giải rằng yếu tố chính khiến các đám cháy rừng ở California lan rộng với tốc độ chóng mặt cũng là do tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình tăng làm cho cây cối tại bang California khô hơn vào mùa Hè. Trong danh sách top 10 thảm họa cháy rừng lớn nhất California chỉ có duy nhất 1 đám cháy xảy ra vào năm 1932, thời điểm BĐKH gây ảnh hưởng rất ít tới trái đất, còn 9 vụ xảy ra từ năm 2000, trong đó chỉ tính riêng năm nay là 2 vụ.
Trong bối cảnh hàng loạt sự kiện thiên tai bất thường diễn ra với tần suất dày hơn, việc ứng phó với BĐKH để giảm nhẹ rủi ro thiên tai thảm họa không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia, mà phải là sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã cảnh báo thế giới về nguy cơ cộng đồng quốc tế đi chệch hướng mục tiêu Hiệp định Paris, đồng thời kêu gọi các nước cần làm nhiều hơn nữa, hành động nhanh hơn nữa để đảo ngược xu hướng khí phát thải hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu giảm 1,5 độ C đến năm 2020.
 Riêng tại thị trấn Paradise, gần 80% diện tích đất và gần 9.000 ngôi nhà đã bị thiêu trụi sau thảm họa cháy rừng hồi tháng 11.
Bà Helen Clark - nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng giám đốc UNDP, cho biết, thay vì thực hiện việc kìm hãm sự nóng lên của toàn cầu ở dưới 2 độ, hiện  các quốc gia lại đang có xu thế vận hành làm cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên hơn 3 độ C. Theo bà Clark, điều này là một thảm họa của thế giới, vì thế mọi quốc gia phải có cam kết quả quyết hơn, mạnh mẽ hơn đối với giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân dẫn tới BĐKH.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần