Điểm mới của Luật Nhà ở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây là một trong những thay đổi quan trọng được quy định tại Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.

Tuy nhiên, quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài có phần hạn hẹp hơn so với công dân Việt Nam:

Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 01 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn nhà đối với nhà ở riêng lẻ trong 01 khu dân cư tương đương 01 đơn vị hành chính cấp phường.

Trường hợp vượt quá quy định trên hoặc được tặng cho, được thừa kế nhà ở thương mại (bao gồm nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở) trong khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó. 

Nếu cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở lâu dài và có quyền như công dân Việt Nam.

Quản lý vốn đầu tư của Nhà nước vào thành lập doanh nghiệp

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015. Theo đó, đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp thuộc phạm vi sau đây:

- Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội;

- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh;

- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên;

- Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Chính phủ quy định chi tiết việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp và cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Tăng vốn pháp định của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản

Cuối tháng 11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản 2014, trong đó có nhiều điểm mới như:

- Tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng, trước đây mức vốn này là 6 tỷ đồng.

- Không bắt buộc thành lập doanh nghiệp nếu mua bán, cho thuê, thuê mua bất động sản có qui mô nhỏ, không thường xuyên; tuy nhiên phải kê khai nộp thuế theo qui định pháp luật. 

- Chủ đầu tư phải được tổ chức tín dụng có đủ năng lực (theo danh sách công bố của NHNN) bảo lãnh trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.

- Yêu cầu rõ về việc dự án kinh doanh bất động sản phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn đã được phê duyệt.

Một số điểm mới của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014

Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định chi tiết quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo đó, người phải thi hành án có các quyền sau đây:

- Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án;

- Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật này;

- Được thông báo về thi hành án;

- Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;

- Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của Luật này;

- Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;

- Được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này;

- Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

Bổ sung  phí, lệ phí và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014 quy định rõ ràng phí, lệ phí và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không như sau:

- Dịch vụ chuyên ngành hàng không bao gồm:

+ Dịch vụ hàng không là dịch vụ liên quan trực tiếp đến khai thác tàu bay, khai thác vận chuyển hàng không và hoạt động bay;

+ Dịch vụ phi hàng không là dịch vụ cung ứng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ hàng không.

- Phí, lệ phí chuyên ngành hàng không bao gồm:

+ Phí bay qua vùng trời Việt Nam, phí nhượng quyền khai thác và phí khác theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;

+ Lệ phí cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

- Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

+ Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; giá phục vụ hành khách; giá bảo đảm an ninh hàng không và giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

+ Giá dịch vụ hàng không khác.

- Giá dịch vụ phi hàng không bao gồm:

+ Giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;

+ Giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay.

Kinh tế đô thị cuối tuần