Điện Biên: Hợp tác xã loay hoay tìm lối ra
Kinhtedothi - Dù được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế nông thôn, nhiều hợp tác xã (HTX) tại tỉnh Điện Biên vẫn hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả, khó cạnh tranh và chưa phát huy vai trò trong nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thành viên.
Nhiều HTX khó khăn trong hoạt động
Trên địa bàn tỉnh, không ít HTX từng được kỳ vọng là mô hình kinh tế điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng lại sớm rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Điển hình là HTX Rau củ quả Thanh Đông (phường Mường Thanh), thành lập từ năm 2015, với vùng sản xuất 5ha, áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian đầu, HTX tạo được việc làm, cung cấp rau sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, chỉ sau 6 năm, HTX đã ngừng hoạt động, do khó khăn về vốn và tiêu thụ sản phẩm.
Tương tự, HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Mường Luân (thành lập năm 2022) từng hoạt động mạnh trong lĩnh vực cây ăn quả và dịch vụ nông nghiệp. Dù được địa phương hỗ trợ ban đầu và tạo được việc làm, đến năm 2025, HTX này cũng tuyên bố giải thể.
Theo ông Lò Văn Đức, nguyên Giám đốc HTX, sản phẩm tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, thiếu hợp đồng ổn định; không có vốn đầu tư khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nên chất lượng giảm, hàng hóa khó cạnh tranh.

Để HTX phát huy hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ Nhà nước về vốn, kỹ thuật, chính sách ưu đãi. Ảnh: IT
Giải pháp nào cho HTX phát triển bền vững?
Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh Điện Biên có 353 HTX, trong đó quy mô siêu nhỏ chiếm tới 98%. Chỉ 266 HTX đang hoạt động, 87 HTX đã ngừng hoạt động, riêng từ năm 2024 đến nay có thêm 13 HTX giải thể. Đáng nói, chỉ khoảng 30% số HTX được đánh giá là hoạt động hiệu quả; số còn lại gần như không có lãi, chủ yếu tồn tại hình thức.
Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt khoảng 1,04 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ khoảng 98,5 triệu đồng. Thu nhập bình quân của thành viên và lao động thường xuyên đạt 31 triệu đồng/người/năm – mức thu nhập còn thấp so với nhu cầu sống hiện nay.
Theo ông Phí Văn Dương – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, trong khi thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt. Nhiều HTX chưa có chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị hoặc các kênh phân phối ổn định. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ mặc dù có nhưng thủ tục rườm rà, khó tiếp cận, nhất là tại vùng sâu, vùng xa. Đây là những “nút thắt” phổ biến đang kìm hãm sự phát triển bền vững của kinh tế tập thể.
Hiện nay, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất của các HTX rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Tính đến 30/6/2025, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh mới có vốn điều lệ 3 tỷ đồng, chỉ đủ hỗ trợ 13 HTX vay vốn phát triển. Quỹ Quốc gia về việc làm có tổng vốn 1,15 tỷ đồng, nhưng mới chỉ có 2 HTX tiếp cận được.
Theo ông Phí Văn Dương, một trong những hướng đi trong thời gian tới là tỉnh sẽ triển khai hỗ trợ từ các quỹ Trung ương, dự kiến từ 4 - 5 tỷ đồng, dành cho khoảng 3 - 5 HTX có tiềm năng. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ HTX đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, tiếp cận các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, tỉnh cũng dự kiến tư vấn và hỗ trợ ít nhất 5 HTX thí điểm phát triển theo mô hình mới, đồng thời xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị bền vững, ưu tiên các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP hoặc các sản phẩm tham gia Chương trình nông thôn mới.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các HTX cần sự hỗ trợ đồng bộ về vốn, kỹ thuật, đào tạo nhân lực và chính sách ưu đãi. Trong đó, việc rà soát, sàng lọc các HTX yếu kém, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh thực chất là rất cần thiết để tránh tình trạng tồn tại hình thức.
Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX, tăng cường kết nối với doanh nghiệp, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn, định hướng phát triển sản phẩm chủ lực gắn với thị trường, xây dựng các HTX kiểu mới phù hợp với từng địa bàn.
Phát triển HTX không chỉ là giải pháp giảm nghèo, tạo việc làm mà còn góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững. Nhưng để HTX thực sự là “đòn bẩy” kinh tế, cần nhiều hơn nữa sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từ chính sách đến thực tiễn.

Chuỗi liên kết sản xuất, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã tại Sơn La
Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động đổi mới tư duy sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tạo bước chuyển mình rõ nét trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Sớm hoàn thiện mô hình hoạt động của hệ thống liên minh hợp tác xã
Kinhtedothi - Chiều 11/7, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong tình hình mới”.

Thái Nguyên thành lập mới 25 hợp tác xã trong 6 tháng đầu năm 2025
Kinhtedothi-Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập mới 25 hợp tác xã (HTX), đạt 83% kế hoạch cả năm, cho thấy sự khởi sắc rõ rệt trong phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.