Global Times dẫn lời các chuyên gia nước ngoài tham gia diễn đàn cho biết, trước những căng thẳng của tình hình an ninh quốc tế hiện nay, điễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh mang đến cho tất cả các bên một nền tảng để đối thoại một cách thẳng thắn, góp phần trao đổi tốt hơn, hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau để cùng giải quyết các vấn đề.
Các phái đoàn chính thức từ hơn 90 quốc gia, khu vực và tổ chức quốc tế đã tập trung tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bắc Kinh hôm 29/10 để tham dự sự kiện kéo dài 3 ngày. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, số lượng người tham gia và quan chức cấp cao năm nay đều cao hơn những năm trước.
Ngay từ hôm 29/10 đã diễn ra các cuộc đối thoại cấp cao, đối thoại với các chuyên gia hàng đầu, hội thảo của các sĩ quan và học giả quân đội trẻ, cũng như hội nghị chuyên đề về Binh pháp Tôn Tử... 4 phiên họp toàn thể, được tổ chức vào ngày 30-31/10, sẽ tập trung vào: Trách nhiệm của các nước lớn và Hợp tác an ninh toàn cầu; Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu; Cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương: Hiện tại và tương lai; cũng như An ninh và phát triển khu vực: Mục tiêu và Đường hướng.
8 phiên họp đồng thời sẽ thảo luận về Xu hướng an ninh và cấu hình tình hình an ninh ở Đông Bắc Á, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc hợp tác an ninh khu vực; cấu trúc an ninh mới ở Trung Đông; tái cấu trúc hòa bình ở châu Âu; ngăn chặn và quản lý khủng hoảng quân sự hàng hải, rủi ro hạt nhân và toàn cầu; an ninh trí tuệ nhân tạo; và hợp tác quân sự quốc tế trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Diễn đàn lần này được kỳ vọng sẽ triển khai toàn diện khái niệm cộng đồng toàn cầu vì một tương lai chung, với chủ đề "An ninh chung, hòa bình lâu dài" phản ánh khái niệm cốt lõi của Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của Chính phủ Bắc Kinh.
"Diễn đàn cũng là cơ hội để bước đầu đánh giá mức độ hiệu quả mà Trung Quốc muốn đề xuất thực hiện GSI, để những người tham gia diễn đàn thực sự có cơ hội suy ngẫm và sau đó bắt đầu xem xem khả năng tham gia và hỗ trợ GSI" - Alessio Patalano, Giáo sư Chiến tranh & Chiến lược ở Đông Á tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, King's College London, nói với Global Times tại diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh hôm 30/10.
Ông nhấn mạnh: "Hiện tại có hai cuộc xung đột đáng kể, một ở Đông Âu và về cơ bản là cuộc xung đột lớn nhất giữa các quốc gia kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Cuộc xung đột còn lại là ở Trung Đông. Do vậy, đây là thời điểm rất quan trọng để trao đổi về hòa bình lâu dài".
Diễn đàn đã sắp xếp các phiên họp tập trung vào an ninh khu vực châu Âu và Trung Đông, vì các vấn đề an ninh như xung đột Nga - Ukraine và Israel - Palestine rõ ràng đang là mối quan tâm hàng đầu. Đại tá cấp cao Zhao Xiaozhuo, Phó Chủ nhiệm Ban thư ký Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, cho biết: "Có đại diện của cả hai bên tham dự các phiên họp, vì vậy diễn đàn sẽ cố gắng hết sức để thảo luận về các chủ đề này một cách hợp lý".
Một khía cạnh quan trọng khác là diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh được tin là nền tảng hiếm hoi để các nước đang phát triển lên tiếng, khuyến khích các nước vừa và nhỏ tham gia đối thoại.
Joseph Kahama, Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến hữu nghị Tanzania - Trung Quốc, bình luận với Global Times tại diễn đàn hôm Chủ nhật: "Thế giới đa cực, nơi mọi người từ các nền văn minh khác nhau cùng ngồi xuống để thảo luận với tâm thế tôn trọng lẫn nhau, đồng thời nói về những giải pháp để thúc đẩy hòa bình, đang phát huy hiệu quả".