Nhiều “hồ sơ nóng”
Một trong những vấn đề hàng đầu trên bàn nghị sự năm nay chính là Trung Quốc với thị trường chứng khoán và đồng Nhân dân tệ lao dốc. Chiếm gần 15% sản lượng toàn cầu, kinh tế Trung Quốc đang “góp phần” đẩy tình hình kinh tế thế giới tới gần bờ vực khủng hoảng.
Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ và tiếp tục có xu hướng lao dốc khi Iran được gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Đồng thời chứng khoán toàn cầu cũng trải qua tháng đầu năm tồi tệ nhất từ trước tới giờ khi “bốc hơi” 7.000 tỷ USD vốn hóa trên các thị trường toàn cầu. “Chúng ta đang bước vào một môi trường kinh tế vĩ mô thách thức hơn rất, rất nhiều so với điểm xuất phát ở đầu năm” - CEO của Ngân hàng FristRand Nam Phi Johan Burger nhận định.
Góp thêm phần nan giải cho bài toán kinh tế toàn cầu là quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu tiên sau 9 năm, khiến đồng USD tăng giá, có nguy cơ làm tổn thương các nền kinh tế mới nổi. Tổ chức Oxfam cũng “bồi” thêm cho sức nóng của Davos 2016 bằng một báo cáo cho thấy 1% người giàu nhất thế giới sở hữu tài sản lớn hơn 99% còn lại toàn cầu, dấy lên vấn đề bất bình đẳng thu nhập “không mới nhưng chưa bao giờ cũ”.
Những trọng tâm mới
Theo khảo sát tiền Davos 2016, đây lần thứ hai trong thập kỷ qua, những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu do những người tham dự WEF đánh giá không phải những vấn đề tài chính mà về khủng hoảng di cư, biến đổi khí hậu và xung đột liên quốc gia. Điều này chứng tỏ "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu không thể đảm bảo trong điều kiện địa chính trị bất ổn.
Một loạt vấn đề địa chính trị phức tạp diễn ra gần đây, với căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh và bán đảo Triều Tiên; cuộc khủng hoảng di cư không có dấu hiệu hạ nhiệt và khủng bố lan rộng năm châu. Tại khu vực Trung Đông, những nỗi sợ hãi mới len lỏi với tình hình chiến sự tại Syria và những xung đột giữa chính quyền người Sunni của Ả Rập Saudi đối với Iran – quốc gia có đa số người Hồi giáo theo dòng Shiite.
Tại Đức, với vai trò là nền kinh tế đầu tàu châu Âu, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel đang ở mức thấp nhất trong 4 năm sau vì những chính sách gây tranh cãi sau khi hơn 1 triệu người di cư cập bến quốc gia này. Trong khi đó, những khảo sát tại Anh cho thấy số lượng người dân ủng hộ việc rời khỏi Liên minh châu Âu đang tăng lên.
Trước bối cảnh này, dù là một diễn đàn kinh tế, nhưng trọng tâm được bàn thảo tại Davos năm nay sẽ vẫn là những vấn đề nóng về tình hình địa chính trị thế giới.
Bất an của nền kinh tế Trung Quốc là vấn đề nóng nhất tại WEF năm nay.
|