"Nga xác nhận 2 vụ tấn công trên đều là hành động khủng bố", Tass dẫn tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra hôm 2/12.
Liên quan đến chiến sự tại nước láng giềng, ông Peskov nói rằng Nga không chấp nhận điều kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cho việc đàm phán về Ukraine, đồng thời khẳng định Moscow sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự.
“Tổng thống Putin luôn sẵn sàng cho các hoạt động liên lạc và đàm phán, việc sử dụng các giải pháp ngoại giao chắc chắn là cách được ưu tiên hàng đầu để Moscow có thể đạt được những mục tiêu nhất định” - ông Peskov nhấn mạnh.
Ôn cho rằng việc Mỹ không công nhận các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga sáp nhập hồi tháng 9 đã làm phức tạp thêm nỗ lực đàm phán và tìm kiếm hòa bình của hai bên.
Ngoài ra, ông Peskov còn cho biết Tổng thống Putin từng nhiều lần đề xuất đàm phán nhằm đảm bảo an ninh sâu rộng với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ trước khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, song đều không thành công.
Tuyên bố trên được Điện Kremlin đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại với Nga nếu ông Putin muốn chấm dứt xung đột tại Ukraine. Ông Biden nhấn mạnh điều kiện để đàm phán là Tổng thống Putin rút quân khỏi Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, RT hôm 2/12 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm trong ngày 2/12 theo yêu cầu của Berlin.
Theo thông cáo của Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đức, ông Putin đã giải thích lý do đằng sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và khẳng định chính việc trang bị vũ khí và huấn luyện quân đội Ukraine của phương Tây là "phá hoại".
Thông cáo của Điện Kremlin nêu rõ: "Trong một thời gian dài, lực lượng vũ trang Nga đã không tiến hành các cuộc tấn công tên lửa chính xác vào một số mục tiêu ở Ukraine, nhưng giờ đây những biện pháp trên là cần thiết và không thể tránh khỏi nhằm đáp trả những cuộc tấn công khiêu khích của Kiev nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự, trong đó có cầu Crimea và cơ sở năng lượng".
Trong cuộc điện đàm, Putin cho rằng "các cuộc tấn công khủng bố" nhằm vào tuyến đường ống khí đốt Nord Stream "cũng có hình thức tương tự" và yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch, trong đó có cả sự tham gia của Nga.
Theo Văn phòng Thủ tướng Scholz, cuộc điện đàm trên kéo dài 1 giờ và "Thủ tướng Đức đã chỉ trích các cuộc không kích của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine cũng như nhấn mạnh quyết tâm của Đức trong việc hỗ trợ cho Kiev".
Nga đã thay đổi chiến thuật quân sự ở Ukraine chỉ vài ngày sau vụ nổ bom xe phá hủy một phần cầu Crimea hồi đầu tháng 10. Các nhà điều tra Nga cáo buộc cơ quan tình báo quân sự Ukraine đứng sau vụ tấn công này.
Để đáp trả, quân đội Nga bắt đầu nhắm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine mà Bộ Quốc phòng Nga cho rằng quan trọng với hậu cần của Kiev. Các cuộc tấn công này buộc Ukraine phải cắt điện luân phiên.
Trong khi đó, các vụ nổ gây ra sự cố rò rỉ trên hai tuyến đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 cũng xảy ra vào cuối tháng 9. Nga nhận định bên hưởng lợi rõ ràng nhất trong vụ phá hoại này là Mỹ, quốc gia từ lâu đã gây sức ép với Berlin để giảm giao dịch năng lượng với Moscow và thay thế nguồn cung năng lượng Nga bằng khí thiên nhiên hóa lỏng đắt đỏ hơn của các công ty Mỹ.