Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 10/4 bình luận rằng Pháp gần như không thể đóng vai trò trung gian tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, vì Paris đã công khai đứng về phía Kiev và can dự vào cuộc chiến.
“Trong thời điểm hiện tại, Pháp khó có thể trở thành một bên trung gian hòa giải. Bởi vì Paris rõ ràng đã chọn phe trong cuộc xung đột Nga-Ukraine” - RT dẫn tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin tại buổi họp báo. Ông nhấn mạnh rằng Pháp cũng đã “can dự trực tiếp và gián tiếp” vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Bình luận của ông Peskov diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực hiện chuyến công du tới Trung Quốc ngày 6/4.
Trong tiệc tối tại Quảng Châu hôm 7/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Macron rằng Bắc Kinh hoan nghênh các đề xuất của Pháp về một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraine và nước này sẵn sàng hỗ trợ các đề xuất đó.
Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc - Pháp cùng ra tuyên bố chung, tái khẳng định kêu gọi đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow “diễn ra càng sớm càng tốt”.
Theo RT, mặc dù Tổng thống Pháp đã đưa ra nền tảng hòa bình trong chuyến thăm Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bản đề xuất nào được công khai.
Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Pháp đã tham gia vào tất cả 10 vòng trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Moscow. Paris cũng gửi nhiều hệ thống vũ khí cho Ukraine, bao gồm pháo tự hành Caesar, tên lửa phòng không Crotale và xe tăng hạng nhẹ AMX-10.
Nước này cũng đồng thời huấn luyện quân đội Ukraine trên lãnh thổ Pháp như một phần trong chương trình hỗ trợ Kiev của EU.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn khẳng định trung lập trong vấn đề Nga – Ukraine và kêu gọi các bên sớm giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Hồi cuối tháng 2, Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, bao gồm việc hai bên ngừng bắn, trao đổi tù nhân và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Cũng tại cuộc họp báo hôm 10/4, quan chức Điện Kremlin đã lên tiếng về sáng kiến thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine trong Lễ Phục sinh.
"Tuần Thánh lễ chỉ mới bắt đầu. Cho đến nay, chưa có sáng kiến nào như vậy được đưa ra" - ông Peskov nói hôm 10/4.
Trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, Mỹ đề xuất sáng kiến ngừng bắn vào dịp Lễ Phục sinh (16/4). ISW cho rằng Nga có thể ngừng bắn với Ukraine vào dịp lễ này để tôn trọng các tín đồ Chính thống giáo.
Người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý thêm, Nga từng đề xuất lệnh ngừng bắn với Ukraine, nhưng không thành công. Ông Peskov nhấn mạnh: "Đừng quên rằng Moscow từng đề xuất và giám sát các sáng kiến tương tự, nhưng chính quyền Kiev không sẵn lòng ủng hộ" - ông Peskov nói thêm.
Nga và Ukraine từng nỗ lực thực hiện lệnh ngừng bắn vào các ngày lễ tôn giáo lớn, tuy nhiên kết quả không như kỳ vọng của các bên.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin cho biết một số quốc gia ở Trung Đông và Mỹ Latinh, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và thậm chí một số hiệp hội chính trị của Anh cũng đang đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải.
Trong bài phỏng vấn được đăng hôm 10/4 trên tờ The Times, Đại sứ Kelin nói rằng các đề xuất của Trung Quốc về sáng kiến hòa bình ở Ukraine "mới dừng ở bước phác thảo những đề xuất, không phải là một kế hoạch chi tiết". Nhà ngoại giao Nga thừa nhận tầm quan trọng của sự hỗ trợ chính trị và kinh tế của Bắc Kinh đối với Moscow.
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 2 và chưa có triển vọng kết thúc. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước tuyên bố bất cứ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine "cũng cần dựa trên cơ sở xét đến các lợi ích của Nga và tập trung vào các nguyên tắc nhằm lập một trật tự thế giới mới".
Các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev bế tắc từ tháng 3/2022 do bất đồng về các điều kiện tiên quyết. Nga nhiều lần nói rằng, chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Crimea, Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk.
Trong khi đó, Kiev tuyên bố, hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991.