Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya 1 hôm 19/2, người phát ngôn Điện Kremlin Nga Dmitry Peskov cho biết đề xuất của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về việc tổ chức cuộc đàm phán cấp cao giữa lãnh đạo Nga và Mỹ để thảo luận về “hòa bình ở Ukraine” khó có thể nhận được sự ủng hộ từ phương Tây.
Trước đó, hôm 16/2, Tổng thống Lukashenko đã đề nghị, thay vì Ba Lan, Tổng thống Mỹ Joen Biden có thể đến Minsk để thảo luận về vấn đề Ukraine. Theo Tổng thống Belarus, ông sẽ thuyết phục bằng được Tổng thống Nga Vladimir Putin tới để cùng thảo luận nếu ông Biden nhận lời.
Theo kế hoạch, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ đến Ba Lan từ ngày 20 - 22/2 nhân dịp tròn một năm xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo Nhà Trắng, trong chuyến công du sắp diễn ra, Tổng thống Biden sẽ gặp người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda và các đồng minh Đông Âu cũng như thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ông Peskov lưu ý thêm rằng khó có khả năng Washington chấp thuận việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh 3 bên Nga-Mỹ-Belarus ở Minsk. "Tổng thống Mỹ không có kế hoạch dừng chân ở bất kỳ điểm dừng nào khác trong chuyến công du châu Âu sắp tới, ngoại trừ Ba Lan" - hãng tin Tass trích tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya 1, quan chức Điện Kremlin tuyên bố, việc Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland công khai ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea cho thấy rạn nứt ngày càng lớn giữa Washington và Moscow.
Ông Peskov mô tả bà Nuland là một phần của nhóm các chính trị gia "hiếu chiến nhất trong chính trường Mỹ". Theo người phát ngôn Điện Kremlin, phát ngôn của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ "một lần nữa nhấn mạnh sự khác biệt sâu sắc" giữa hai nước, đồng thời cho thấy rõ "vai trò của Mỹ với tư cách là chủ mưu gây ra những căng thẳng toàn cầu hiện nay".
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng chỉ trích tuyên bố của bà Nuland về Crimea là bằng chứng cho thấy "sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột Ukraine".
Bà Zakharova nhấn mạnh: "Ngoài việc cung cấp vũ khí cho Kiev, Mỹ đang đẩy chính quyền Kiev leo thang hơn nữa. Đó là điều chúng tôi đã cảnh báo trước đây và buộc chúng tôi phải tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt".
Các tuyên bố trên được Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland hôm 16/2 khẳng định, Washington ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào các cơ sở quân sự ở Crimea. "Đó là những mục tiêu hợp pháp. Ukraine đang tấn công các mục tiêu đó và chúng tôi ủng hộ điều đó. Ukraine sẽ không an toàn trừ khi Crimea ít nhất, ở mức tối thiểu, được quân sự hóa" – Thứ trưởng Nuland nói.
Nga sáp nhập Crimea từ tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời khẳng định bán đảo này là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không thể thương lượng. Quan điểm này là một trong những trở ngại khiến các cuộc hòa đàm hòa bình giữa Nga và Ukraine bế tắc.
Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, bao gồm cả vùng Donbass và bán đảo Crimea. Ukraine từ lâu kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa để có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga, trong đó có Crimea.
Về phần mình, Nga nhiều lần cảnh báo, nếu phương Tây cấp cho Ukraine những vũ khí có thể tấn công Crimea, đó sẽ là hành động cực kỳ nguy hiểm. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 5/2 cảnh báo Ukraine sẽ "bốc cháy" nếu tấn công Crimea. Theo ông Medvedev, Moscow có thể "đáp trả theo bất kỳ cách thức nào" nếu Kiev tấn công các mục tiêu ở Crimea hoặc sâu trong lãnh thổ Nga.