Chính phủ Pháp đang trên bờ vực sụp đổ sau khi liên minh các chính đảng cánh hữu và cánh tả trong Quốc hội nước này nhất trí đệ đơn bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier.
Điều này đồng nghĩa với việc thời gian nắm quyền ngắn ngủi của chính phủ Thủ tướng Barnier có thể sớm chấm dứt chỉ trong vòng 24 giờ tới, đẩy nền chính trị Pháp vào hỗn loạn và khiến nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron thêm phần chông gai.
Dự luật gây tranh cãi
Ông Michel Barnier, người được Tổng thống Macron bổ nhiệm chức thủ tướng hồi tháng 9 dù đã về hưu, mới đây đã kích hoạt Điều khoản 49.3 trong Hiến pháp của Pháp để thông qua dự luật mới về ngân sách an sinh xã hội mà không cần đợi Quốc hội biểu quyết. Thủ tướng Pháp đặt mục tiêu bơm thêm 60 tỷ euro vào ngân sách để giải quyết tình trạng thâm hụt ngày càng tăng trong nước thông qua các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.
Ông Barnier từng hy vọng dự luật của mình sẽ sớm được Quốc hội Pháp thông qua sau khi nhượng bộ yêu sách từ các chính đảng. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ thuộc 2 phe tả-hữu vẫn phản đối dữ dội, đồng thời cáo buộc Chính phủ Pháp đang lạm dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Chẳng hạn, dự luật đề xuất hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện cùng kế hoạch cắt giảm chính sách hoàn trả thuốc theo toa trên toàn quốc. Nhưng những nhượng bộ này vẫn là chưa đủ đối các nhà lập pháp của cả Mặt trận Bình dân Mới (NPF) - liên minh của một số đảng cánh tả của Pháp, lẫn đảng Tập hợp Quốc gia (RN) theo đường lối cực hữu.
Jordan Bardella - lãnh đạo đảng RN, chỉ trích dự luật ngân sách của Thủ tướng Barnier khi cho rằng nó sẽ “gây đau khổ” trên toàn nước Pháp. “Chính phủ đang đề xuất một dự luật mang tính trừng phạt, sẽ làm suy yếu sức mua của người dân chúng ta”, ông Bardella phát biểu với đài phát thanh RTL.
Ngay sau đó, bà Marine Le Pen - lãnh đạo khối các nghị sĩ đảng RN tại Quốc hội Pháp, tuyên bố đệ trình việc tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Barnier. Các nghị sĩ phe cánh tả cũng lên tiếng về việc sẽ đưa ra một động thái tương tự. Hiện nay, liên minh NPF và RN được nhận định có đủ số phiếu để khiến Thủ tướng Barnier phải từ chức.
Thế khó của Tổng thống Macron
Trước đó, quyết định bổ nhiệm ông Michel Barnier làm thủ tướng của Tổng thống Macron đã vấp phải sự phản đối của NPF. Đại diện các chính đảng của liên minh này đều tuyên bố không bỏ phiếu thông qua các dự luật được Chính phủ Pháp đệ trình.
Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ thiểu số của vị thủ tướng 73 tuổi này phải dựa vào sự hậu thuẫn của một liên minh trung-hữu lỏng lẻo gồm đảng Cộng hòa (LR) và đảng Phục Hưng (RE) của Tổng thống Macron. Song nếu không có sự ủng hộ của RN, thì chính phủ của ông Barnier nhiều khả năng cao sẽ không có đủ số phiếu cần thiết để thông qua các dự luật.
Trong trường hợp không có đủ số phiếu tín nhiệm, ông Barnier vẫn tiếp tục giữ chức thủ tướng Pháp cho đến khi Tổng thống Macron công bố chính phủ mới. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây vẫn là một chính phủ thiểu số, do không phe nào có số ghế nghị sĩ vượt ngưỡng quá bán là 289 để giành thế đa số trong Quốc hội nước này. Chính phủ mới sẽ tiếp tục hoạt động cho đến kỳ bầu cử Quốc hội kế tiếp, dự kiễn diễn ra vào hè 2025.
Sự sụp đổ của Chính phủ đương nhiệm còn ảnh hưởng đến vị thế của Tổng thống Emmanuel Macron, vốn đã suy giảm nghiêm trọng sau các cuộc bầu cử mùa hè vừa qua. Hơn nữa, việc Thủ tướng Gabriel Attal, người tiền nhiệm của ông Barnier, thường xuyên lạm dụng điều khoản 49.3 để thông qua các dự luật mà không cần Quốc hội biểu quyết càng khiến hình ảnh ông Macron xấu đi trong mắt người dân Pháp.
Sự chia rẽ trong quốc hội Pháp buộc ông Macron phải thỏa hiệp nhiều hơn với cả hai phe tả và hữu, dù vẫn giữ được ảnh hưởng rộng rãi đối với chính sách đối ngoại của đất nước với tư cách tổng thống. Song nếu Thủ tướng Michel Barnier bị bãi chức và ông Macron buộc phải bổ nhiệm một thủ tướng tạm quyền khác, hiệu suất và tẩm ảnh hưởng của vị tổng thống 46 tuổi này đối với các chính sách trong nước còn suy giảm nhiều hơn.
Viễn cảnh bi quan đối với EU
Những hệ lụy trên chính trường Pháp còn khiến tình hình Liên minh châu Âu (EU) trở nên căng thẳng, bởi Không chỉ riêng Pháp, một “cường quốc” khác của EU là Đức cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đứng trước nguy cơ giải thể, buộc nhà lãnh đạo Đức phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử bất thường vào đầu năm tới.
Sự phân tâm bởi những vấn đề trong nước của cả Đức lẫn Pháp, hai quốc gia lớn và có tầm ảnh hưởng nhất của EU, sẽ đẩy tương lai của liên minh này vào viễn cảnh bi quan, nhất là khi EU vẫn phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng có khả năng ảnh hưởng đến vận mệnh của cả khối: xung đột quân sự Nga-Ukraine và nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thị trường cũng trở nên bất ổn trước viễn cảnh chính phủ Pháp sụp đổ, với chỉ số của 40 công ty lớn nhất nước này (CAC40) giảm 0,2% trong hôm 2/12. Một số nhà quan sát và các đồng minh của Thủ tướng Barnier từng nhiều lần cảnh báo bất ổn chính trị ở Pháp có thể biến thành một cuộc khủng hoảng mới của khu vực đồng euro, tương tự những gì từng xảy ra với Hy Lạp năm 2009.
Tuy nhiên, giới đầu tư nhận định Pháp vẫn chưa bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính. Khi xác nhận xếp hạng tín dụng của Pháp vào tuần trước, cơ quan xếp hạng S&P cho biết "nền kinh tế nước này vẫn đứng vững bất chấp bất ổn chính trị".