Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, điều kiện để được hưởng BHYT khi CTNT, gồm: người bệnh có tham gia BHYT; thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB) chính là:
Có ký hợp đồng với cơ quan BHXH, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện dịch vụ kỹ thuật CTNT; có chỉ định của bác sĩ điều trị có đủ điều kiện pháp lý (chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn); cơ sở KCB mua sắm máy chạy thận, thuốc, vật tư y tế theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo bà Thu Hằng, mức hưởng BHYT có thể là 100%, 95% hoặc 80% tùy theo đối tượng tham gia BHYT, theo thực tế chi phí điều trị thuộc mức độ bệnh lý của mỗi người bệnh, nên không có quy định mức hưởng tối đa.
Theo đó, trường hợp KCB đúng tuyến (đúng nơi đăng ký ban đầu, hoặc cấp cứu hoặc có giấy chuyển viện đúng quy định), được hưởng dịch vụ CTNT là 567.000 đồng/lần (bao gồm cả quả lọc và dây máu dùng 6 lần) theo quy định tại thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một số hợp số trường hợp.
Ngoài dịch vụ kỹ thuật CTNT, người bệnh còn hưởng các chi phí khác: thuốc đều trị các bệnh lý nền kèm theo; chi phí xét nghiệm... trong danh mục do Bộ Y tế ban hành, theo thực tế phát sinh.
Nếu tham gia BHYT 5 năm liên tục và có chi phí đồng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở (10.800.000 đồng) trong năm dương lịch và người bệnh đi đúng tuyến, thì người bệnh còn được cấp Giấy chứng nhận không đồng chi trả và thanh toán lại chi phí đồng chi trả đã vượt quá 6 tháng lương cơ sở.
Về mức hưởng trong trường hợp KCB trái tuyến theo điều 22 Luật BHYT, được hưởng BHYT như trường hợp đúng tuyến khi đi KCB trái tuyến có xuất trình BHYT tại bệnh viện tuyến huyện, hoặc điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Trường hợp CTNT khi đang điều trị nội trú trái tuyến (có xuất trình BHYT) tại tuyến Trung ương được hưởng 40% quyền lợi theo đối tượng. Các trường hợp bệnh nhân đi trái tuyến thì chi phí đồng chi trả cho đợt khám đó không được tính để cấp giấy miễn đồng chi trả.