Điều tra luận tội Tổng thống Trump: Lịch sử có lặp lại?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu hết các nhận định về tương lai ông chủ Nhà Trắng lúc này đều tập trung vào tiền lệ nổi tiếng năm 1974, khi Tổng thống Mỹ bấy giờ Richard Nixon phải từ chức dưới áp lực của án luận tội.

Từ trái qua: cựu Tổng thống Richard Nixon, Tổng thống đưuong nhiệm Donald Trump và cựu Tổng thống Bill Clinton.
Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 31/10, nước Mỹ chứng kiến nguyên thủ thứ 4 trong lịch sử bị điều tra luận tội khi vẫn còn đương nhiệm - Donald Trump. Điều này đến sau việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 24/10 tuyên bố nhiều ủy ban bắt đầu xem xét liệu Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có nên bị luận tội hay không.
Trọng tâm chính của họ là cuộc điện đàm hôm 25/7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó Tổng thống Mỹ hối thúc nhà đồng cấp Kiev điều tra gia đình cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - đối thủ đảng Dân chủ của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Cuộc gọi được thực hiện sau khi Washington đình chỉ 391 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, dấy lên nghi ngờ khoản tài trợ này có thể là cuộc đổi chác nhằm nâng cao cơ hội tái đắc cử cho Tổng thống. Thêm vào đó, báo cáo về cuộc gọi - được đưa ra bởi một sĩ quan tình báo cho rằng ông Trump đang “lạm dụng quyền lực” - dường như đã bị chặn để không được tự động chuyển đến các Ủy ban giám sát của Quốc hội như luật pháp Mỹ quy định.
Những dấu hiệu này phần nào gợi nhớ về những cáo buộc cách đây 45 năm, trong bản đề xuất luận tội tại Hạ viện Mỹ đối với Tổng thống Richard Nixon: Thứ nhất là tội cản trở công lý, khi ông Nixon đã can thiệp nhằm ngăn chặn cuộc điều tra bê bối Watergate chấn động; Thứ hai là tội chống đối Quốc hội, phát sinh từ việc ông Nixon liên tục từ chối cung cấp các tài liệu theo trát đòi của tòa án.
Trở lại Nhà Trắng dưới quyền Tổng thống Trump, nhiều quan chức cấp cao, bao gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã nhận chỉ thị không được cho lời khai vụ “Biden - Ukraine” theo yêu cầu của Quốc hội.
Luận tội thành công để dẫn đến việc cách chức tổng thống là chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Kể cả khi Hạ viện thông qua, việc kết án chỉ thành nếu được 2/3 Thượng viện ủng hộ. Tại thời điểm này, điều đó đồng nghĩa với 67/100 thượng nghị sĩ thông qua, trong khi đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đang nắm giữ 53 ghế tại đây.
Rõ ràng, ông Trump đang có được sự bảo vệ vô cùng mạnh mẽ bởi đảng nhà - tương tự như trường hợp luận tội được tha bổng tại Thượng viện của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 1999. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng liệu trước những “cơn sóng” nhân chứng từ điều tra Hạ viện, Tổng thống Trump có phải tìm đến lối thoát như ông Nixon - Tổng thống Mỹ duy nhất từ chức cho đến lúc nay.
Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon tuyên bố từ chức vào ngày 8/8/1974.
Lịch sử có vần điệu
Rạng sáng ngày 17/6/1972, 5 kẻ đột nhập bị bắt tại trụ sở Ủy ban Quốc gia Dân chủ trong tòa nhà Watergate ở thủ đô Washington. Những người đàn ông đã đột nhập vào khu phức hợp để chụp ảnh tài liệu và cài chip ẩn, nhằm cung cấp cho đội ngũ tái tranh cử của Tổng thống từ đảng Cộng hòa, Richard Nixon về kế hoạch của Ủy ban Dân chủ.
Đây là chiến thuật tìm kiếm thông tin tiêu cực về đối thủ bầu cử - một phần của hoạt động chính trị thông thường vào thời điểm đó. Giờ đây, các chiến thuật như vậy còn có thể được thực hiện dưới dạng tấn công mạng máy tính.
Tuy nhiên, một trong những điểm khác biệt chính giữa 2 trường hợp của ông Trump và ông Nixon là chiến thắng chấn động năm 1972 của Tổng thống Mỹ thứ 37 không đồng nghĩa với thắng lợi của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Đảng Dân chủ năm 1973 kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, do đó có thể dễ dàng thống nhất một cuộc điều tra “triệt hạ” tổng thống đương nhiệm.
Thêm vào đó, một vụ bê bối riêng dẫn đến việc từ chức vào tháng 10/1973 của Phó Tổng thống Spiro Agnew cũng đã làm tăng khả năng bị luận tội của ông Nixon hơn bao giờ hết. Nhiều nhà bình luận Mỹ lưu ý, các chính trị gia Dân chủ đang đắn đo việc luận tội ông Trump bởi khả năng Phó Tổng thống Mike Pence sẽ sẵn sàng kế nhiệm ngay sau đó theo luật định.
Cũng cần lưu ý, vụ đột nhập Watergate không chính thức hạ bệ cựu Tổng thống Nixon, mà thay vào đó là nỗ lực có hệ thống của ông nhằm che đậy sự liên quan của chính quyền và cản trở cuộc điều tra, cũng như truy tố những người liên quan, đã bị phát hiện. Chẳng hạn, nhiều cuộn băng ghi âm trò chuyện trong Nhà Trắng được biết đến, khiến Công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối và Ủy ban điều tra của Thượng viện cùng yêu cầu công bố, nhưng lại bị ông Nixon từ chối. Ở điểm này, chính quyền Tổng thống Trump được đánh giá đã biết “rút kinh nghiệm”, khi công bố bản sao cuộc điện đàm Trump - Zelensky sau khi bê bối nổ ra.
Trở lại năm 1974, khi các băng ghi âm xác nhận sự tham gia trực tiếp của ông Nixon vào việc can thiệp công tác điều tra, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa thất vọng vì nhận ra Tổng thống đã nói dối họ. Những người ủng hộ ông Nixon đã đổi ý vào mùa Hè năm đó, thời điểm mà vị Tổng thống này quyết định bỏ cuộc. Và như vậy, để đánh giá được tác động từ cuộc điều tra của Hạ viện Dân chủ lúc này với Tổng thống Trump, cần theo dõi thái độ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trong thời gian tới.
Thăm dò dư luận mới nhất do NBC News và Wall Street Journal tiến hành cho thấy: 53% số người Mỹ được hỏi ủng hộ yêu cầu luận tội Tổng thống Trump, trong khi 44% phản đối. Kết quả theo đảng phái cho thấy sự chênh lệnh đáng kể: 89% cử tri Dân chủ và 58% cử tri độc lập ủng hộ, trong khi chỉ 9% cử tri Cộng hòa ủng hộ yêu cầu luận tội.
Tuy nhiên, một châm ngôn nổi tiếng của đại văn hào người Mỹ Mark Twain đã từng nói: Lịch sử không lặp lại, nhưng nó thường có vần điệu. Sự việc diễn ra với ông Trump có thể không giống như trường hợp của ông Nixon, và cũng sẽ không kết thúc bằng một sự từ chức tương tự, nhưng thay vào đó có thể là một kết thúc buồn với cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 sắp tới.
Kinh tế là mấu chốt?
Từ cuộc khủng hoảng luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1998, giới chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế Mỹ có chiều hướng sụt giảm sẽ phần nào làm suy yếu những phản biện của ông Trump nhằm chống lại cuộc điều tra luận tội. Cựu Tổng thống Clinton từng sử dụng yếu tố kinh tế một cách khéo léo trong thử thách luận tội của mình.
Tổng thống Bill Clinton xuất hiện cùng vợ tại họp báo sau khi bị Hạ viện Mỹ luận tội năm 1998.
Cụ thể, trong khi cuộc điều tra luận tội tổng thống được kích hoạt vào tháng 1/1998, bởi các cuốn băng ghi lại hình ảnh ông Clinton ngoại tình với một thực tập sinh Nhà Trắng, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,5% và đạt đỉnh với mức tăng 7,0% vào quý IV năm đó - thời điểm Hạ viện chính thức luận tội tổng thống đương nhiệm.
Trong năm 1998, chi tiêu của người Mỹ tăng 5,3% và đầu tư kinh doanh tăng vọt 10,9%. Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này được cho đã thúc đẩy cuộc bỏ phiếu luận tội ông Clinton nơi Thượng viện vào tháng 1/1999, với sự tha bổng hoàn toàn tội trạng vào 1 tháng sau đó.
Ngược lại, Richard Nixon phải đối mặt với luận tội dưới điều kiện kinh tế xấu đi. Nền kinh tế Mỹ đã rất mạnh khi bê bối của ông bắt đầu vào tháng 10/1972, trong khi tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ vào 1 năm sau đó, hỗ trợ đáng kể cho ông Nixon.
Tuy nhiên, tất cả thay đổi vào mùa thu năm 1973, khi cả tăng trưởng, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh Mỹ đều bắt đầu suy yếu. Thậm chí đến tháng 11/1973, nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào thời kỳ suy thoái kéo dài đến hết nửa năm 1974, và sau đó là sự kiện từ chức của ông Nixon vào ngày 8/8/1974.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần