Reuters ngày 15/12 cho biết, kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine vào cuối tháng 2, chính phủ Đức đã phân bổ gần 500 tỷ USD để củng cố nguồn cung năng lượng và “tiếp tục duy trì nguồn sáng” trên cả nước.
Tổng chi phí 500 tỷ USD phản ánh "quy mô tích lũy" từ các gói cứu trợ năng lượng và các chương trình khác mà Berlin sử dụng trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao cũng như nguồn cung năng lượng từ Nga giảm mạnh.
Gói hỗ trợ năng lượng trị giá 500 tỷ USD tương đương mức hỗ trợ 5.400 USD cho mỗi cư dân ở Đức, chiếm 12% GDP và ước tính 1,6 tỷ USD đã được chi trả mỗi ngày kể từ khi bùng phát cuộc xung đột quân sự Nga –Ukraine.
Giá năng lượng tại châu Âu nói chung, tại Đức nói riêng biến động mạnh kể từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine, đặc biệt sau khi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều thành viên NATO áp đặt các gói trừng phạt đối với Nga.
Dự kiến chính quyền Berlin sẽ có thể cần phải chi tiêu nhiều hơn nữa để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong nước.
Ông Michael Gromling - người đứng đầu phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Viện Kinh tế Đức - nhận định: “Cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách cuộc khủng hoảng năng lượng này thay đổi ra sao. Nền kinh tế Đức nói chung đang phải đối mặt với sự mất mát lớn”.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết: “Việc phân phối năng lượng là một rủi ro trong trường hợp có một đợt lạnh kéo dài vào mùa đông này, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ nước Đức không có khí đốt của Nga” - Reuters viết.
Theo Reuters, bất chấp những khoản chi tiêu khổng lồ của chính quyền Đức nhằm hỗ trợ các công ty năng lượng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vận chuyển khí LNG, đẩy mạnh mua dự trữ than, những nỗ lực này cũng không thể giúp Berlin bù đắp nguồn cung năng lượng của Nga.
Ông Stefan Kooths - Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel, - cho biết nguồn cung năng lượng không ổn định đã đẩy nền kinh tế Đức đến một “giai đoạn rất quan trọng”. “Nền kinh tế Đức đang đứng ở đâu? Nếu chúng ta nhìn vào tình trạng lạm phát giá cả, nền kinh tế Đức đang trải qua một “cơn sốt” nặng” - ông Kooths cho hay.