Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dỡ thuế áp lên Trung Quốc, Mỹ có thoát "bóng ma" lạm phát?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng đang tranh luận về khả năng dỡ một số thuế quan từ thời Tổng thống Donald Trump áp lên khoảng 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Đó là một trong những nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát cao hàng thập kỷ, nhưng nó đi kèm với sự đánh đổi khó khăn, theo cây viết của tạp chí Quartz. 

Cụ thể, giới chức Mỹ cuối tuần trước cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc dỡ bỏ một số thuế quan đối với Trung Quốc và có thể sẽ tạm dừng thuế khí đốt liên bang, trong bối cảnh Washington đang vật lộn trước tình hình giá xăng và lạm phát tăng cao.

Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đạt mức cao nhất trong 40 năm ở 8,6% vào tháng 5, khiến đây trở thành thách thức đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đạt mức cao nhất trong 40 năm ở 8,6% vào tháng 5, khiến đây trở thành thách thức đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính, việc dỡ bỏ thuế quan với Trung Quốc có thể  giúp giảm 1% lạm phát và  thừa nhận đây chưa thể là giải pháp lý tưởng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6%, tuy nhiên sẽ là một động thái đáng chú ý. Cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jason Furman cho biết đây sẽ là “bước đi lớn nhất” mà Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể làm để hạ nhiệt giá cả.

Một số nhà phân tích khác không nghĩ đó là mục tiêu đơn giản. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai trong tháng 6 cho biết, chống lạm phát là một “vấn đề phức tạp hơn chỉ là thuế quan” và Washington cần phải có “chiến lược” trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Các nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Employ America lập luận rằng sự thiếu hụt năng lực sản xuất - những hạn chế đối với nhà máy và thiết bị - là nguồn cơn dẫn đến lạm phát. Việc giảm thuế sẽ không làm tăng năng lực sản xuất trong nước. Trên thực tế, tập đoàn công nghiệp Liên minh các nhà sản xuất Mỹ (AAM) lập luận rằng việc cắt giảm thuế quan sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng lại các chuỗi cung ứng quan trọng vì các công ty được khuyến khích duy trì sản xuất gia công cho Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, kết quả Bắc Kinh mong muốn rất rõ ràng: thoát khỏi thuế quan.

Một số nhà kinh tế Trung Quốc hiện đang quan sát tình trạng lạm phát cao  của Mỹ và cuộc tranh luận về thuế quan.

“Họ ít biết rằng việc tăng thuế không còn là tài sản chiến lược của Mỹ mà là gánh nặng chiến lược," Yao Zhizhong, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết. "Nếu Mỹ không thể thoát khỏi gánh nặng chiến lược về thuế quan càng sớm càng tốt… thì một cuộc hạ cánh mềm sẽ khó đạt được.”

Vào thời điểm đầu khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, các nhà kinh tế Trung Quốc đã dự đoán rằng thuế quan áp đặt dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm tăng lạm phát của Mỹ.

Yu Miaojie, một nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Việc tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ đẩy giá cả và  cuối cùng làm gia tăng CPI của Mỹ”.

Hay như Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc đưa tin một năm trước đó, Mỹ có nguy cơ “nâng đá và tự đập vào chân mình” bằng cách áp thuế sâu lên hàng hóa Trung Quốc.

Hiện tại, chính quyền Biden được cho là đang nghiêng về việc nới lỏng một số thuế quan. Trung Quốc có thể sẽ không ngần ngại coi đó là một chiến thắng. Chế ngự lạm phát hay không, đó sẽ là một liều thuốc chính trị khó nuốt ở Washington.