Thưa Chủ tịch, năm 2021, thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề do dich bệnh Covid-19, tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Thành phố vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh và có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của thành phố Hà Nội đã đạt được trong năm vừa qua.
Đồng chí Chu Ngọc Anh: Năm 2021 là một năm đặc biệt với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, nhạy bén của Thành ủy, UBND thành phố, các tầng lớp Nhân dân lao động Thủ đô đang quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với những kết quả tích cực. Song năm 2021 cũng là một năm đầy biến động. Đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta bùng phát nhanh, mạnh, càn quét khắp các châu lục và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tháng 4/2021 nhiều tỉnh thành trên cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội lần lượt hứng chịu sức tàn phá nặng nề của biến chủng Delta. Covid-19 đẩy chúng ta vào những thách thức chưa từng có tiền lệ. Thế nhưng, càng trong hiểm nguy, gian khó càng là lúc trí tuệ và bản lĩnh, tinh thần đại đoàn kết mạnh mẽ được bộc lộ và khẳng định. Thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương; cùng với sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã cơ bản kiểm soát hiệu quả được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Thủ đô và chuyển sang trạng thái thích ứng kịp thời, linh hoạt.
Ngay từ đầu, Thành phố đã xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải được ưu tiên số một. Địa bàn triển khai là cấp xã, phường. Người dân là trung tâm phục vụ, chủ thể tham gia phòng, chống dịch. Dự báo chuẩn xác tình hình, có giải pháp trúng, đúng, linh hoạt từ sớm, từ xa. Xây dựng kịch bản phòng chống dịch thích ứng với từng cấp độ để không bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra. Chúng ta đã chủ động đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở, khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, kịp thời khống chế ở một số thời điểm cấp bách, dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao, khi người dân chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Với công thức chống dịch được đúc kết là “5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân”, tranh thủ thời gian giãn cách xã hội, với sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, chia sẻ của Bộ Y tế và 12 địa phương khu vực phía Bắc, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay với nhiều con số ấn tượng: Tính đến hết ngày 12/1/2022, tại Hà Nội, 99% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng Covid-19. Trẻ 15-17 tuổi mũi 1 đạt 99,9%, mũi 2 đạt 93,4%; Trẻ 12-14 tuổi mũi 1 đạt 98,7%, mũi 2 đạt tỷ lệ 72,69%; đối với người trên 50 tuổi có bệnh lý nền chưa được tiêm, Thành phố đã triển khai tiêm tại nhà và tiếp tục vận động tiêm cho những người còn lại.
Thành phố luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128-NQ/CP, hướng dẫn của Bộ Y tế để điều chỉnh các biện pháp phù hợp với các diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực, củng cố nhân lực trong công tác khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, vận hành tốt các trạm y tế lưu động… Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nhiễm Covid-19 khi điều trị tại nhà và các cơ sở thu dung, điều trị của Thành phố. Hình thành hệ thống kiểm soát dịch bệnh đồng bộ các cấp, đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế, điều trị bệnh hiệu quả.
Đúng với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thành phố đã mau chóng, kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Thông qua các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Trung ương và chính sách hỗ trợ đặc thù, Hà Nội đã hỗ trợ cho 5,314 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí hơn 6.506 tỷ đồng.
Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đợt dịch bùng phát lần thứ tư, Hà Nội vẫn quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” - vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, chuyển trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt” vừa bảo đảm an sinh xã hội, tích cực hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, kinh tế Hà Nội tiếp tục phục hồi và phát triển. Thành phố đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong năm 2021, Thành phố đã gia hạn, miễn, giảm hơn 25,66 nghìn tỉ đồng cho khoảng 212,84 nghìn lượt doanh nghiệp và người nộp thuế. Nhờ đó những khó khăn các mặt trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đã được giảm thiểu đáng kể.
Với tinh thần quyết tâm và chủ động, ngay từ đầu năm, tranh thủ tối đa khi dịch bệnh được kiểm soát, Thành phố đã tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư. Trong bức tranh tổng thể của kinh tế - xã hội cả nước, Hà Nội đã góp vào đó những nét chấm phá ấn tượng, sinh động, những mảng màu tươi sáng, lạc quan: GRDP quý I/2021 của thành phố tăng 5,17%, quý II tăng 6,49%; quý III có khó khăn hơn, do ảnh hưởng dồn của 4 đợt giãn cách xã hội, song các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại vẫn được duy trì, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng và trở lại đà phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. GRDP Quý IV tăng cao đạt 6,69%, đưa mức tăng trưởng chung cả năm 2021 của Hà Nội đạt 2,92% (cả nước tăng 2,58%, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,78%). Thu ngân sách nhà nước đạt 264.450 tỷ, bằng 112,3% dự toán Trung ương giao, đứng đầu toàn quốc và bằng 17,1% thu ngân sách của cả nước. Những con số đầy ý nghĩa đó đã cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng dương, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
Thưa Chủ tịch, dự báo năm 2022 tiếp tục sẽ là một năm nhiều khó khăn và thách thức khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh đồng thời với phục hồi phát triển kinh tế đang mở ra nhiều cơ hội mới. Trong bối cảnh như vậy, thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu và giải pháp như thế nào trong thời gian tới?
Đồng chí Chu Ngọc Anh: Năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa bản lề, tạo đà vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dịch Covid-19 có thể còn phức tạp, kéo dài và nguy hiểm hơn với các biến chủng mới. Song không có cách nào khác, chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức, bình tĩnh, sáng tạo tìm ra cơ hội để bứt phá. Chủ đề tập trung, xuyên suốt của thành phố năm nay là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Càng khó khăn càng phải giữ vững trật tự kỷ cương, càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chúng ta sẽ hành động với tinh thần quyết liệt, sáng tạo vì mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển. Năm nay, Thành phố đặt ra 22 chỉ tiêu chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu GRDP tăng từ 7,0 đến 7,5%. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành bao gồm:
Một là, ban hành ngay các Chương trình hành động, Kế hoạch, cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Hai là, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân kết hợp với đảm bảo đầy đủ vắc-xin và thuốc chữa bệnh Covid-19. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả.
Ba là, tăng cường đầu tư thiết thực cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế. Ngay trong Quý I/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, thông qua chuyên đề tập trung cải tạo, sửa chữa, phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa trên địa bàn; nâng cấp hệ thống cơ sở, vật chất cho hệ thống giáo dục phổ thông và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường đội ngũ, nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở.
Bốn là, trên quan điểm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, Thành phố tập trung quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy trình phối hợp liên ngành, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính; Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ; Hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao. Rà soát các văn bản, quy định của Thành phố nhằm khắc phục các bất cập, trùng chéo trong các văn bản quy phạm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cuối cùng, song cũng là nội dung quan trọng nhất, đó chính là tiếp tục bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; Ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại lực lượng lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tết Nhâm Dần sắp đến, Chủ tịch có thể cho biết Thành phố dành sự quan tâm cho các đối tượng chính sách như thế nào? Với cương vị người đứng đầu chính quyền Thành phố, Chủ tịch có điều gì nhắn gửi tới cán bộ và Nhân dân Thủ đô nhân dịp Xuân mới?
Đồng chí Chu Ngọc Anh: Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, các lực lượng tuyến đầu đã vào cuộc với sự nỗ lực hết mình của mỗi tập thể, cá nhân. Chúng ta ghi nhận, tri ân công đầu của các lực lượng trong ngành y tế, quân đội, công an, và cả những đóng góp của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Đặc biệt, Thành phố đánh giá cao, trân trọng ghi nhận sự đồng lòng, tích cực ủng hộ của Nhân dân Thủ đô, đã vào cuộc thực chất, chấp hành nghiêm túc, chung tay vì cộng đồng trong phòng, chống dịch. Có xuống tận cơ sở mới chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về sự chung sức, đồng lòng của người dân với những công việc của Thành phố. Điều đó thể hiện sinh động ở những mô hình tổ dân phố cùng chống dịch, Tổ Covid cộng đồng, mô hình tổ liên gia tự quản, phương châm 3 lớp, 3 trước, 4 tại chỗ (phong tỏa hẹp, quản lý chặt, truy vết và xét nghiệm theo đặc điểm dịch tễ, tiêm chủng nhanh, hiệu quả, an toàn). Đó là những nét độc đáo, sáng tạo của người Hà Nội.
Chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, quan tâm đời sống, vật chất tinh thần đối với người hưởng chính sách gồm các đối tượng: người có công, hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là tình cảm và trách nhiệm của tất cả chúng ta. Thành phố đã có chính sách tặng quà và hỗ trợ cho gần 915.000 cá nhân với tổng kinh phí hơn 395 tỉ đồng, đã và đang cố gắng chăm lo, đảm bảo cho mỗi người, mỗi gia đình đều được đón Tết Nguyên đán vui tươi, đầm ấm, không ai bị thiếu thốn, “không ai bị bỏ lại phía sau” khi Tết đến, Xuân về.
Song song với đó, chăm lo và tri ân các lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trong suốt hai năm qua, Thành phố sẽ dành sự quan tâm, động viên đến các tập thể, cá nhân thuộc Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố, các thôn làng, tổ dân phố, trạm y tế, các cơ sở y tế ngoài công lập và doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ tích cực cho Thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh. Dự kiến, sẽ có hơn 80 tỉ đồng được dành tặng cho các cơ quan, tập thể, cá nhân nói trên trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chia tay năm cũ Tân Sửu, đón chào năm mãnh hổ Nhâm Dần, cùng đón Tết vui xuân, thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất, lời tri ân sâu sắc nhất đến toàn thể Nhân dân Thủ đô, đặc biệt là lực lượng cơ sở tuyến đầu chống dịch vì sự chia sẻ, chung tay, đồng lòng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Mong các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, đồng bào, đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống Văn hiến – Anh hùng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, huy động sức mạnh đại đoàn kết để cùng nhau hoàn thành cao nhất các mục tiêu năm 2022 và cùng nhau chiến thắng đại dịch. NĂM MỚI THẮNG LỢI MỚI!
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
09:15 04/02/2022