Doanh nghiệp cần điều kiện gì để xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ Nhật Bản?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong Top 5 thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản là mục tiêu khai thác xuất khẩu của doanh nghiệp thông qua hệ thống bán lẻ. Nhưng để tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua những “cửa ải” tiêu chuẩn.

Thị trường rộng lớn

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng năm 2022, thương mại 2 chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt hơn 27,29 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người tiêu dùng Nhật Bản mua vải thiều tại siêu thị AEON Nhật Bản
Người tiêu dùng Nhật Bản mua vải thiều tại siêu thị AEON Nhật Bản

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú thông tin, tại Nhật Bản số lượng người dân đến từ các nước châu Á trong đó có Việt Nam sinh sống và làm việc lên tới 10 triệu người. Do vậy hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi. Đến nay, nhiều sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản. Có thể kể đến sản phẩm nước dừa, sữa dừa... đã được Công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và những tỉnh lân cận. Hay như sản phẩm cà phê Việt Nam đã được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị bình dân mang thương hiệu OK.

 

Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Việc 2 nước cùng tham gia những hiệp định này tạo nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mở rộng hợp tác thương mại song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải

Đồng tình với ý kiến này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nêu rõ, hiện cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại... trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. Hiện một số loại hoa quả Việt Nam như: Thanh long, xoài, sầu riêng, dừa, vải thiều... đang ngày càng xuất hiện phổ biến, với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của những chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản như AEON, Donkihote, Itoyokado.

"Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng thời gian qua, thì thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng. Năm 2021 tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,4%" - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tại "Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022" (Hanoi Agriculture Fair 2022) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) vừa tổ chức, Tổng giám đốc AEON MALL Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho hay, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng của Nhật Bản là rất lớn. Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đang ưu tiên nhập khẩu 4 nhóm sản phẩm Việt Nam gồm: Dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe.

“Cửa ải" tiêu chuẩn

Như vậy, cánh cửa vào hệ thống phân phối AEON và thị trường Nhật Bản đang mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để bước qua cánh cửa này lại không dễ dàng. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Thị Việt Nga, dự kiến đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu hàng Việt thông qua hệ thống AEON tại Nhật đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này lại không hề dễ dàng bởi Nhật Bản là thị trường “khó tính” khi đưa ra nhiều quy định về chất lượng, tiêu chuẩn.

Nói về những quy định của Nhật Bản áp dụng cho hàng nhập khẩu, Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty TNHH AEON Việt Nam Nishikwa Satoshi cho biết, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự tại thị trường Nhật Bản. Nhiều dòng sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như hàng thời trang may mặc, đồ gia dụng, thực phẩm… nhưng vẫn thua hàng hóa từ các nước khác nhập khẩu vào Nhật Bản.

“Điều này dẫn đến trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam, chỉ có khoảng từ 200 - 300 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản” - ông Nishikwa Satoshi nêu rõ.

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại AEON Hà Đông trong hội chợ Hanoi Agriculture Fair 2022
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại AEON Hà Đông trong hội chợ Hanoi Agriculture Fair 2022

Trong khi đó, Giám đốc Bộ phận thương mại TTTM AEON Hà Đông Fukui Tomoaki giải thích, thị trường Nhật Bản có những tiêu chuẩn riêng và AEON cũng vậy. Để sản phẩm có thể góp mặt trên các kệ hàng của chuỗi siêu thị AEON, doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả giai đoạn, từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng.

Các quy định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho đến tiêu chuẩn quốc tế và chuyên ngành. “Nếu Việt Nam có một quy trình sản xuất, kỹ thuật bảo quản, chế biến nông sản bằng phương pháp đông lạnh tốt thì có thể xuất khẩu được nông, thủy sản số lượng lớn và quanh năm sang Nhật Bản” - ông Fukui Tomoaki gợi ý.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm HPA Bùi Duy Quang, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn mà phía bạn đặt ra, nhất là về trang thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp còn sử dụng nguồn nguyên liệu từ nước khác, trong khi phía Nhật Bản mong muốn sản phẩm sử dụng chính nguyên liệu từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa vào Nhật cũng cần lưu ý, hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. Khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật Vệ sinh thực phẩm… Riêng với sản phẩm dệt may, phải thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng.

Rõ ràng, để tăng kim ngạch xuất khẩu thị trường Nhật, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đạt được các tiêu chí về chất lượng, sản phẩm và giá thành. Khi trở thành nhà cung ứng chính thức cho AEON nói riêng, thị trường Nhật Bản nói chung, đây chính là “bệ đỡ” để doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần