70 năm giải phóng Thủ đô

Doanh nghiệp miền Trung và Tây Nguyên tìm cơ hội kết nối, tiêu thụ sản phẩm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngoài chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ở 11 tỉnh Tây Nguyên- Duyên hải miền Trung và TP Hồ Chí Minh còn có cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ gắn với phát triển, chuyển đổi số.

Chiều 6/7, tại Quảng Ngãi, hội nghị “Kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao các tỉnh Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung và TP Hồ Chí Minh, năm 2023” được tổ chức.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của gần 70 doanh nghiệp đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (KCN, KKT, KCNC) đến từ 11 tỉnh, thành phố  khu vực Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung và TP Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, các đại biểu được tìm hiểu thông tin khái quát về tình hình phát triển công nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.

5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đăk Nông, có thế mạnh là đất đai rộng, màu mỡ, phù hợp cho việc sản xuất và phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm như: Cà phê, chè, cao su, hồ tiêu, rau quả. Đến năm 2022, tại các KCN, KKT cửa khẩu các tỉnh Tây Nguyên lũy kế có 394 dự án với tổng mức đầu tư 38.140 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên còn một số khó khăn như: Các doanh nghiệp đầu tư vào KCN, KKT chủ yếu có quy mô đầu tư nhỏ và vừa; chưa thu hút dự án lớn, động lực mang tính chất lan toả.

Các KKT cửa khẩu với các nước Lào, Campuchia chưa có nhiều động lực phát triển, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống giao thông hướng biển, đặc biệt là kết nối giữa các KCN, KKT với các cảng biển còn nhiều khó khăn.

Đối với 6 tỉnh duyên hải Miền Trung gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có các lợi thế nổi trội như: Thu hút đầu tư thuận lợi, đặc biệt là sức lan tỏa của các dự án lớn gắn với cảng biển; quỹ đất ven biển phù hợp với phát triển công nghiệp; vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng dồi dào; hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi. Đến năm 2022, lũy kế các KCN, KKT, CKCN ở Duyên hải miền Trung có 1.801 dự án, tổng mức đầu tư hơn 818.300 tỷ đồng.

Dù vậy, vùng Duyên hải miền Trung lại có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai; tính liên kết vùng, kết nối giao thông đi lại giữa các khu vực còn hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, sản phẩm mang hàm lượng công nghệ còn thấp.

Dịp này, các đại biểu được nghe tham luận, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp tiêu biểu trong KCN, KKT, KCNC các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.

Nhân hội nghị, đại diện các tỉnh tham dự, Quảng Ngãi kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ và tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng để kết nối giữa vùng kinh tế miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên; hoàn chỉnh hệ thống đường ven biển, đường cao tốc, cảng hàng không…

Đồng thời, quy hoạch và phát triển các KCN, KKT, KCNC và các đô thị, làm hạt nhân tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên.

“Thời gian tới, Quảng Ngãi cam kết huy động mọi nguồn lực để tập trung công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng; đồng thời xúc tiến thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, cảng biển, hệ thống logistics; hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và du lịch gắn với biển đảo… Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, năng động, là điểm đến hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên nhấn mạnh.

Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Thị Thu Hương nhận định, đây là hoạt động sáng tạo của khối thi đua các tỉnh Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung, cũng là đơn vị đầu tiên trong 18 khối thi đua của Bộ KH&ĐT tổ chức được hội nghị kết nối sản xuất, cung ứng là tiêu thụ sản xuất, hàng hóa.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ- Bộ KH&ĐT Bùi Thị Thu Hương.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ- Bộ KH&ĐT Bùi Thị Thu Hương.

Bà Hương chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và mong muốn, các doanh nghiệp luôn giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác trong sự kiện này.

“Về góc độ hỗ trợ, Bộ có Trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối các doanh nghiệp trên toàn cầu và các gói hỗ trợ về kỹ thuật. Ngoài ra, Bộ còn có "Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa", các doanh nghiệp có thể tham khảo, tìm kiếm cơ hội. Bộ sẵn sàng hỗ trợ về mặt thông tin thông qua việc truy cập cơ sở dữ liệu cũng như mở các lớp đào tạo tập huấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa", bà Hương nói.

Dịp này, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia hội nghị còn tiến hành ký hợp tác ghi nhớ.

Các doanh nghiệp ký kết hợp tác ghi nhớ.
Các doanh nghiệp ký kết hợp tác ghi nhớ.

“Chúng ta hy vọng sẽ cùng nhau tạo ra được một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ, hợp tác, trao cho nhau những cơ hội kết nối hướng đến một mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả nước”, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN  Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương bày tỏ.