Tiếp sức đưa hàng Việt ra thế giới
Cuối tháng 6/2023, 6 tấn vải thiều đã được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ thông qua công ty Dragonberry Produce. Giám đốc điều hành Công ty Dragonberry Produce Amy Nguyễn cho biết, số vải này được bày bán tại hệ thống siêu thị Safeway và Albersons tại các tiểu bang Washington, Oregon và California. “Safeway và Albersons là 2 chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây của Hoa Kỳ, trong đó, Safeway có 773 cửa hàng, Albersons có trên 340 cửa hàng. Có thể coi đây là bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tiêu thụ trái cây của Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng tại thị trường Hoa Kỳ”- bà Amy Nguyễn khẳng định.
Đây không phải là lần đầu tiên hoa quả, nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới thông qua doanh nghiệp Việt kiều. Trước đó, hệ thống siêu thị Thanh Hùng (TP Spijkenisse- Nam Hà Lan) do Việt kiều Vân Anh đầu tư cũng đã nhập một lượng lớn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) để phân phối cho các siêu thị Á Châu tại Hà Lan, Pháp, CHLB Đức.
Tương tự, tại thị trường Úc, hệ thống siêu thị MCQ do người Việt Nam thành lập từ năm 1992 tại TP Perth cũng đã thực hiện Chương trình xúc tiến thương hiệu gạo Việt Nam “Viet Nam, Land of World’s Best Rice” (Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới). Theo đó, 10.000 túi gạo thương hiệu Ban Mai Cung Đình sẽ được hệ thống siêu thị MCQ tặng khách hàng dùng thử.
Chia sẻ về hoạt động quảng bá tiêu thụ hàng Việt tại thị trường quốc tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tại Úc Nguyễn Ngọc Mỹ thông tin, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp của Việt kiều tại Úc tại các TP Sydney, Melbourne đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. “Khi có sự kết nối hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đến các chuỗi cửa hàng bán lẻ của người Việt ở nước sở tại chắc chắn sẽ thu hút một phần đối tượng khách hàng là người dân bản xứ”-ông Mỹ khẳng định.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nghiệp người Việt ở Châu Âu Hoàng Mạnh Huê nêu rõ, người Việt ở EU, hiện có cơ sở vật chất rất tốt để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt kiều có sự hiểu biết nhất định về phong tục tập quán, thị hiếu người dân châu Âu. Vì vậy chúng tôi sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu.
Còn lắm gian nan
Mặc dù hàng Việt có nhiều tiềm năng tiêu thụ ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp Việt kiều nhưng trong quá trình đưa hàng Việt thâm nhập thị trường thế giới vẫn còn nhiều gian nan.
Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan Trần Trọng Hùng chia sẻ, sau gần 30 năm thành lập, cộng đồng người Việt đã xây dựng một trung tâm thương mại bán buôn với diện tích 300.000 m2 thu hút hàng ngàn người Việt Nam tham gia vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các sản phẩm quần áo, giày dép, vật dụng gia đình bầy bán tại trung tâm lại là hàng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân là do chất lượng, thương hiệu hàng Việt Nam chưa thực sự có vị trí vững chắc tại Ba Lan thị trường trung chuyển lớn nhất châu Âu này.
Tương tự, Chủ tịch Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thuỵ Sỹ Thục Minh thừa nhận hàng hoá của Việt Nam chỉ vào được hệ thống cửa hàng của người Việt chứ hầu như không thâm nhập được vào hệ thống bán lẻ nước sở tại bởi vì sản phẩm chưa đạt chuẩn Châu Âu.
Để hàng Việt lên kệ hệ thống siêu thị nước sở tại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) Trần Hải Linh hiến kế, thời gian tới Bộ Công Thương thành lập trung tâm xúc tiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại Hàn Quốc qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp phối hợp với các tập đoàn phân phối lớn của Hàn Quốc tìm hiểu quy định, quy tắc khi đưa hàng vào hệ thống bán lẻ. Đồng thời chọn được nhà phân phối phù hợp với sản phẩm mà doanh nghiệp Việt đưa sang Hàn Quốc tiêu thụ.
Tương tự, Chủ tịch Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thuỵ Sỹ Thục Minh gợi ý, thị trường Thuỵ Sỹ rất khát các sản phẩm, dịch vụ công nghệ và Việt Nam vẫn cần lưu tâm đến lĩnh vực giàu tiềm năng này. "Công ty FPT của Việt Nam hiện đang phát triển rất tốt việc đưa sản phẩm công nghệ vào Thuỵ Sỹ", bà Minh cho hay.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ (Bộ Ngoại Giao) Phạm Việt Hùng gợi ý, cần thúc đẩy thành lập các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, từ đó làm đầu mối, kết nối kênh tiêu thụ hàng Việt và phòng tránh rủi ro thị trường trong quá trình đưa hàng hóa xâm nhập nước sở tại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, tiêu thụ hàng Việt tại nước ngoài thông qua Việt kiều, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND về triển khai đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”.
Cụ thể, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối. Đồng thời, phối hợp với đại sứ quán, thương vụ Việt Nam, Hội người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao…triển khai, phát triển hạ tầng thương mại, kết nối đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài.