Đây là một chủ trương đúng, đòi hỏi bức thiết của thực tiễn hiện nay, để thực hiện hiệu quả, sau quyết tâm, giải pháp cần phải có sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ và thực chất.
Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo T.Ư về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Thực tế trong thời gian qua, thực hiện lộ trình tinh nhuệ bộ máy theo hướng gọn nhẹ, bảo đảm chất lượng, các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; cấp tỉnh, huyện cũng giảm 13 sở và tương đương, 2.159 phòng và tương đương… Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng có số lượng sắp xếp rất lớn, tinh gọn hàng nghìn đầu mối, tinh giản hàng nghìn biên chế. Nhưng thực tế cũng cho thấy, việc sắp xếp chưa đồng bộ, tổng thể; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối. Bộ máy bên trong của một số đơn vị cũng có chiều hướng tăng ở các phân khúc, đặc biệt là số cơ quan chuyên môn. “Bóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia chưa thể chấm dứt, tình trạng “bộ trong bộ” vẫn nặng nề...
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, quá trình thực hiện, nhiều thời điểm dường như mới chỉ tập trung sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở cấp cơ sở (tỉnh, huyện, xã), chưa làm quyết liệt ở cấp T.Ư (bộ, cơ quan ngang bộ) nên chưa tạo ra bước chuyển mạnh. Chính vì vậy, việc quyết liệt sắp xếp lại tổ chức bộ máy cấp T.Ư, sẽ mang lại nhiều thuận lợi vì hiệu ứng nêu gương. Mặt khác, khi bộ máy đã được sắp xếp hợp lý, tinh gọn từ cấp trên, ở cấp dưới cũng theo đó mà hợp lý, tinh gọn. Hiện Chính phủ, Quốc hội đã thành lập Ban chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW tại các cơ quan trực thuộc. Có thể nói, đây là những việc thể hiện tinh thần quyết liệt, khẩn trương từ T.Ư sẽ lan tỏa xuống địa phương.
Tinh gọn bộ máy là công việc khó, phức tạp, bởi chạm đến con người, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức, nhưng đây là đòi hỏi từ thực tiễn, quyết tâm làm sẽ tạo bước đột phá quan trọng, giúp bộ máy bớt cồng kềnh và giảm gánh nặng cho ngân sách, để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Bởi như Tổng Bí thư nhận định, bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách chậm đi vào cuộc sống. Sự chồng chéo và phân định không rõ nhiệm vụ dẫn đến "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua nhiều cửa thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển.
Cùng với đó, vấn đề quan trọng nhất là con người phải được sử dụng một cách hiệu quả. Sắp xếp cũng là cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội. Nếu quyết liệt sắp xếp lại tổ chức bộ máy, để thực sự tinh và gọn, không chỉ giảm chi thường xuyên, mà còn tạo cơ sở, nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.