Đổi mới, nâng cao chất lượng tour để hút khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đòi hỏi các doanh nghiệp, địa phương đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, nguồn nhân lực.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19” do báo Hà Nội Mới và Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức chiều ngày 24/10.

Khách du lịch thăm quan Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)
Khách du lịch thăm quan Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)

Thông tin từ Tổng cục Du lịch, sau khi Việt Nam mở cửa cho ngành du lịch hoạt động trở lại, thị trường nội địa đã tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế vẫn còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Đến nay, cả nước mới có khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế (thấp hơn 85,4% so với cùng kỳ năm 2019). Riêng Thủ đô Hà Nội, tính đến tháng 9, mới đón được khoảng 766.000 lượt khách quốc tế, trong khi mục tiêu đề ra đón 2 triệu lượt du khách quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu có chung ý kiến Hà Nội có hàng nghìn di tích lịch sử, lễ hội, là 1 trong 5 TP phòng, chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, đây là điều kiện để thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, mặc dù nhiều tiềm năng nhưng du lịch Hà Nội chỉ đứng thứ 6 cả nước trong quá trình cạnh tranh thu hút khách. Vì vậy, muốn hút khách đòi hỏi ngành du lịch phải có sự thay đổi trong việc xây dựng, quảng bá, quản lý tour theo hướng liên kết giữa các địa phương, thế giới, trước mắt nên chú trọng xây dựng tour nghỉ dưỡng, MICE, khám phá, từ đó, thu hút lượng khách quốc tế ổn định.

Đổi mới, nâng cao chất lượng tour để hút khách quốc tế - Ảnh 1Đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu rõ, để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý như đẩy mạnh phối kết hợp trong xây dựng quy hoạch du lịch theo hướng mở rộng, không bó hẹp từng địa phương. Đặc biệt, ngành du lịch cần đẩy mạnh quảng bá các tour, điểm du lịch đến tới du khách quốc tế, từ đó, hỗ trợ các điểm du lịch thu hút du khách.
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch sau Covid-19, Trưởng ban quản lý Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) Nguyễn Đăng Thạo thông tin, sau khi ngành du lịch được “mở cửa” hoạt động trở lại, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm đã kết hợp với huyện  Ba Vì xây dựng tour mới theo hướng văn hóa tâm linh phối hợp nghỉ dưỡng, qua đó, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. “Thông qua những hoạt động này lượng khách đến Đường Lâm tăng 30% so với cùng kỳ, lượng khách đang dần đi vào ổn định”- ông Nguyễn Đăng Thạo thông tin.
Tương tự đại diện Sở Du lịch Hà Nội thông tin, dự kiến năm 2022 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trong 9 tháng qua mới đón được 766.000 lượt khách. Nguyên nhân là do hiện du lịch Hà Nội chưa xây dựng được tour đặc trưng, hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt.
Để khắc phục khó khăn này, thời gian tới Sở du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các công ty lữ hành, điểm đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào những thế mạnh của TP Hà Nội như: du lịch văn hóa, trải nghiệm, thể thao, du lịch MICE.
Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu
Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu

“Ngành du lịch Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương như: sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động, thích trải nghiệm khám phá; Khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh - Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ. Để làm được điều này thời gian tới sở du lịch sẽ có những cơ chế hỗ trợ, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, nâng cấp tour”- Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo nhấn mạnh.

Hiến kế để ngành du lịch hồi phục đón khách quốc tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng nêu rõ, doanh nghiệp du lịch cần chủ động hơn nữa trong việc thông tin tới các cơ quan truyền thông trong hoạt động thông tin quảng bá sản phẩm bởi báo chí là cầu nối giữa du lịch với công chúng và du khách. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần