Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối thoại Shangri-La bàn thảo nhiều vấn đề "nóng"

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối thoại Shangri-La (SLD) tại Singapore, diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á năm nay chứng kiến nhiều vấn đề nổi bật liên quan căng thẳng, cáo buộc giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc.

Đối thoại Shangri-La (SLD) - diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á, diễn ra ở Singapore đã bước sang ngày cuối cùng với nhiều vấn đề nổi bật liên quan căng thẳng, cáo buộc giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc.

Mỹ-Trung thể hiện quan điểm khác biệt

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 11/6 cho biết Mỹ sẽ góp phần kiểm soát căng thẳng với Trung Quốc và phòng ngừa xung đột, ngay cả khi cho rằng Bắc Kinh đang ngày càng “hung hăng” trong khu vực, theo Reuters dẫn lời ông phát biểu tại đối thoại.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Tướng Ngụy Phượng Hòa (trái) - và người đồng cấp Mỹ - ông Lloyd Austin. Ảnh: AP, GETTY IMAGES
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Tướng Ngụy Phượng Hòa (trái) - và người đồng cấp Mỹ - ông Lloyd Austin. Ảnh: AP, GETTY IMAGES

Trước đó vào ngày 10/6, Bộ trưởng Austin đã gặp Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. 

Hai bên tái khẳng định sẽ kiểm soát mối quan hệ tốt hơn, dù chưa có dấu hiệu đột phá trong giải quyết bất đồng.

Trong bài phát biểu tại đối thoại, Bộ trưởng Austin cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đứng về phía các đồng minh, bao gồm Đài Loan. Ông còn nhấn mạnh có sự gia tăng “đáng báo động” về những cuộc chạm trán không an toàn, thiếu chuyên nghiệp giữa máy bay, tàu Trung Quốc với các nước, bên cạnh việc máy bay Trung Quốc đại lục gia tăng vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan.

Đáp lại, trong bài phát biểu tại SLD ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tuyên bố Trung Quốc sẽ "chiến đấu đến cùng" để ngăn Đài Loan độc lập, theo hãng AFP đưa tin

“Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá, và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Không ai được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Những người theo đuổi sự độc lập của Đài Loan nhằm chia rẽ Trung Quốc chắc chắn sẽ không có kết cục tốt đẹp” - ông nhấn mạnh.

Ông Ngụy kêu gọi Washington "ngừng bôi nhọ và kiềm tỏa Trung Quốc, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc".

Nhóm “Ngũ cường” tập hợp

Ngày 11/6, bên lề Diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri-La, một cuộc họp riêng biệt đã được tổ chức giữa đại diện của Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Singapore và Malaysia.

Đại diện của Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Singapore và Malaysia gặp mặt bên lề Đối thoại. Ảnh:  MINDEF
Đại diện của Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Singapore và Malaysia gặp mặt bên lề Đối thoại. Ảnh:  MINDEF

Đây là các thành viên của Hiệp ước quốc phòng “Ngũ cường” (FPDA) được thành lập từ năm 1971. FPDA cho phép 5 quốc gia thành viên tham khảo ý kiến lẫn nhau để đưa ra biện pháp đối phó trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang hoặc có mối đe dọa tấn công vũ trang nhằm vào bất kỳ nước thành viên nào.

Trả lời phóng viên về khả năng FPDA phù hợp với các cấu trúc khu vực mới như Đối thoại Bộ tứ Quad và Liên minh AUKUS, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết: “AUKUS và Quad có vai trò riêng và chúng tôi chắc chắn cũng cam kết với kiến trúc này, nhưng thứ gì đó bền bỉ như FPDA thực sự có giá trị đối với Australia”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussain, trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực gia tăng mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Mỹ, FPDA có tầm quan trọng lớn như một biện pháp răn đe, giúp các nước tránh được những “sự cố không lường trước được”.

Ông Hishamuddin Hussain nói: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là những sự cố và tai nạn ngoài ý muốn, khiến căng thẳng vượt tầm kiểm soát và trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu những thỏa thuận, chẳng hạn như FPDA không tồn tại, sẽ không có bất cứ cơ hội nào để kiềm chế các sự cố đó”.

Được thành lập vào năm 1971, FPDA là một loạt các thỏa thuận quốc phòng đa phương được 5 thành viên của Khối thịnh vượng chung ký kết nhằm cung cấp khả năng phòng thủ bên ngoài của Singapore và Malaysia, trong bối cảnh quân đội Anh rút khỏi khu vực.