Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòn giáng mạnh vào tham vọng không gian của Nhật Bản

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tên lửa đẩy hạng trung mới của Nhật Bản đã thất bại trong chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên hôm 7/3, cản trở nỗ lực giảm chi phí tiếp cận không gian của nước này và khả năng cạnh tranh với tên lửa của tỷ phú Elon Musk.

Một tên lửa H3 mang theo một vệ tinh quan sát mặt đất được phóng từ bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Tây Nam Nhật Bản, ngày 7/3/2023. Ảnh: Kyodo News
Một tên lửa H3 mang theo một vệ tinh quan sát mặt đất được phóng từ bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Tây Nam Nhật Bản, ngày 7/3/2023. Ảnh: Kyodo News

Chương trình phát sóng trực tiếp từ Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sáng 7/3 (giờ địa phương) cho thấy, một tên lửa H3 cao 57m đã cất cánh một cách thuận lợi từ sân bay vũ trụ Tanegashima. Nhưng khi đến không gian, động cơ tầng thứ hai của tên lửa đã không thể đánh lửa, buộc các quan chức phụ trách dự án này phải phá hủy phương tiện này theo cách thủ công.

"Người ta quyết định rằng tên lửa đã không thể hoàn thành nhiệm vụ, vì vậy lệnh tự hủy đã được gửi đi" - một bình luận viên về vụ phóng của JAXA cho biết sau khi chương trình trực tiếp bị ngừng phát sóng đột ngột - "Vậy chuyện gì đã xảy ra? Đây là điều mà chúng tôi sẽ phải điều tra bằng cách xem xét lại tất cả dữ liệu".

Nỗ lực thất bại hôm 7/3 diễn ra sau một vụ phóng bị hủy bỏ vào tháng trước. Hirotaka Watanabe, giáo sư tại Đại học Osaka chuyên về chính sách vũ trụ, bình luận với Reuters: "Không giống như việc hoãn lại trước đó, lần này là một thất bại hoàn toàn". "Nó sẽ có tác động nghiêm trọng đến chính sách không gian, hoạt động vũ trụ và khả năng cạnh tranh công nghệ của Nhật Bản trong tương lai" - ông Hirotaka nói thêm.

Tên lửa H3 của Nhật Bản là sản phẩm mới đầu tiên sau ba thập kỷ, mang theo ALOS-3, một vệ tinh quan sát Trái đất có nhiệm vụ quản lý thảm họa, cũng được trang bị một cảm biến hồng ngoại thử nghiệm được thiết kế để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Nhiều khả năng vệ tinh đi kèm này cũng đã bị phá hủy cùng tên lửa.

Nhà sản xuất H3 Mitsubishi Heavy Industries Ltd (MHI) cho biết đang xác nhận tình hình đối với tên lửa với JAXA và từ chối bình luận lúc này. Cổ phiếu MHI đã giảm 1,8% trong phiên giao dịch sáng ngày 7/3.

MHI từng ước tính rằng chi phí mỗi lần phóng của H3 sẽ bằng một nửa so với tiền nhiệm của nó, H2A, giúp hãng này giành được thị phần đáng kể trên thị trường công nghiệp vũ trụ toàn cầu đang phát triển nhưng ngày càng bị chi phối bởi tên lửa Falcon 9 có thể tái sử dụng của SpaceX - Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian của tỷ phú Elon Musk.

SpaceX, có trụ ở California (Mỹ), đã phóng và hạ cánh từ xa các tên lửa quỹ đạo Falcon của mình kể từ năm 2015. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 9/2022, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ước tính chi phí phóng Falcon 9 lên quỹ đạo thấp của Trái đất là 2.600 USD/kg. Giá tương đương cho H2A của Nhật Bản là 10.500 USD.

Một vụ phóng thành công lúc này của H3 được kỳ vọng sẽ đưa tên lửa Nhật Bản vào không gian trước vụ phóng dự kiến ​​​​vào cuối năm nay của hệ thống Ariane 6 mới, có chi phí thấp hơn của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Được trang bị động cơ mới, đơn giản hơn và ít tốn kém hơn bao gồm các bộ phận được in 3D, H3 của Nhật Bản được thiết kế để nâng các vệ tinh thương mại và của chính phủ lên quỹ đạo Trái đất, đồng thời sẽ vận chuyển nguồn cung cấp cho Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Là một phần trong sự hợp tác ngày càng sâu sắc với Mỹ trong lĩnh vực không gian, Nhật Bản đặt mục tiêu cuối cùng cũng có thể vận chuyển hàng hóa đến trạm vũ trụ Cổng Mặt trăng mà cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ NASA dự định xây dựng như một phần trong chương trình đưa người trở lại Mặt trăng, bao gồm cả các phi hành gia Nhật Bản.

Đáng chú ý, đây là sự cố kết nối không gian thứ hai của Nhật Bản chỉ trong vòng một năm trở lại đây, sau sự cố mất 8 vệ tinh trên bệ phóng Epsilon vào tháng 10/2022. Chương trình không gian của Nhật Bản đã không mất một bệ phóng nào trong 19 năm trước đó.