Dồn lực chống thất thu thuế thương mại điện tử

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải bỗng dưng cộng đồng kinh doanh online sốt sắng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, mà đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của ngành thuế.

Nhờ vậy, số thu thuế thương mại điện tử (TMĐT) tăng mạnh theo các năm, ngân sách Nhà nước tăng thu hàng nghìn tỷ đồng.

Thị trường TMĐT tại Việt Nam ngày càng được mở rộng với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với sự tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh online trên các sàn TMĐT lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp do tính mới và phổ biến của nó, đặc biệt là quản lý thuế.

Để trốn thuế, có rất nhiều cách thức để người bán hàng online không lộ doanh thu thực. Trong đó, dễ nhất là tăng cường nhận tiền mặt, hoặc yêu cầu khách mua không ghi nội dung mua hàng khi chuyển khoản, không nhắc đến tên hàng hóa…, hay hướng dẫn khách hàng ghi nội dung là biếu, cho, tặng… để né thuế. Đồng thời, người bán hàng có thể phân bổ số tiền đến cho nhiều cá nhân khác nhau, tránh dồn toàn bộ vào một tài khoản nhất định sẽ dễ bị truy thuế với nguồn thu lớn.

Mua bán hàng qua mạng đang là xu hướng. Ảnh: Công Hùng
Mua bán hàng qua mạng đang là xu hướng. Ảnh: Công Hùng

Thời gian gần đây, để chống thất thu thuế, Bộ Tài chính đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh, như: rà soát, truy thu thuế, cấm xuất cảnh người nợ thuế… Động thái này của Bộ Tài chính đã khiến nhiều người kinh doanh online trước đây vốn lơ mơ về thuế đã chủ động tìm hiểu để hoàn thành nghĩa vụ của cá nhân.

Việc rà soát kê khai, nộp thuế của các cá nhân bán hàng online được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh tăng quản lý với TMĐT. Trên các nhóm kinh doanh online rôm rả xung quanh câu chuyện truy thu thuế và trao đổi cách thức nộp thuế.

Chị Đào Thị Yến - chuyên kinh doanh đồ gia dụng online liên tục tìm kiếm những thông tin liên quan đến việc làm hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. “Tôi đã kinh doanh nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Để không rơi vào tình cảnh bị phạt vì chậm nộp, tôi chủ động đến cơ quan thuế để hỏi thông tin” - chị Yến cho hay.

Cùng với việc rà soát, truy thu, Bộ Tài chính cũng chủ trì thực hiện phối hợp với các bộ, ngành, như: Bộ Công Thương, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an. Theo đó, đã kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý.

Bộ Tài chính chia sẻ với Bộ Công Thương thông tin 929 sàn TMĐT và kiểm tra đối chiếu 361 sàn TMĐT để thực hiện kết nối và quản lý thu. Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó, có 10 triệu tài khoản của các tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân của 96 ngân hàng.

Nhờ vậy, số liệu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (tương đương 130,57 tỷ USD) với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng. Riêng 5 tháng năm 2024, toàn ngành thuế cả nước đã thu được 50.000 tỷ đồng qua TMĐT, bằng 51% so với cả năm 2023. Thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng khởi sắc, khi hiện nay có tới 96 nhà cung cấp nước ngoài và nộp được 15.600 tỷ đồng.

Những con số cho thấy hiệu quả bước đầu từ các giải pháp mà Chính phủ, các Bộ, ngành đã cùng chung tay để quản lý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn TMĐT cũng như đối với giao dịch bằng gói điện tử. Ngành thuế tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.

Cùng với đó, bộ củng cố Cơ sở dữ liệu TMĐT và áp dụng quản lý theo rủi ro; tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác quản lý thu, nộp thuế; đẩy mạnh công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành.