Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đón tin vui lạm phát, chứng khoán Mỹ có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 3

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dow Jones chứng kiến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023 khi leo dốc 2,3%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt cộng 2,4% và 3,3%.

Chứng khoán Mỹ có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 3/2023. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 3/2023. Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ diễn biến ngược chiều trong phiên giao dịch ngày 14/7, trong đó chỉ số Dow Jones tăng hơn 100 điểm nhờ kết quả kinh doanh khả quan khi mùa báo cáo tài chính quý II khởi động.

Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số Dow Jones cộng 113,89 điểm (tương đương 0,33%) lên mức 34.509,03 điểm và ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp. Trong khi, chỉ số S&P 500 sụt 0,1% xuống 4.505,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,18% còn 14.113,70 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều chạm mức cao nhất trong phiên kể từ tháng 4/2022.

Tính cả tuần, Dow Jones vọt 2,3%, hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3. Chỉ số S&P 500 cộng 2,4% và Nasdaq Composite leo dốc 3,3%.

Cổ phiếu của UnitedHealth đã thúc đẩy chỉ số Dow Jones trong phiên giao dịch hôm qua. UnitedHealth kết thúc phiên với mức tăng hơn 7% nhờ doanh thu và lợi nhuận quý II/2023 vượt kỳ vọng của giới phân tích.

Ngân hàng JPMorgan Chase chứng kiến giá cổ phiếu tăng 0,6% sau khi công bố báo cáo tài chính với mức lợi nhuận cao hơn dự báo. Kết quả này có được là nhờ lãi suất tăng và thu nhập từ lãi suất lớn hơn.

Cổ phiếu một ngân hàng lớn khác là Wells Fargo giảm 0,3% dù kết quả kinh doanh cũng khả quan hơn kỳ vọng.

Giám đốc đầu tư Scott Ladner của Horizon Investments nhận định với hãng tin CNBC: “Những gì chúng ta đang chứng kiến từ kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn, như JPMorgan Chase, JPMorgan, là sự ổn định. Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ vỡ nợ đang thấp và chưa có dấu hiệu tăng mạnh. Đó là một tín hiệu tốt cho người tiêu dùng và nền kinh tế”.

Về mùa báo cáo tài chính này, giới phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh khá ảm đạm, dự báo lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp thành viên S&P 500 giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu từ FactSet.

Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đây sẽ là mùa báo cáo tài chính tệ nhất kể từ quý II 2020 - kỳ báo cáo mà lợi nhuận của S&P 500 giảm 31,6%.

Tuần này, tâm lý của giới đầu tư Phố Wall được cải thiện nhờ các báo cáo lạm phát tích cực. Cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) đều tăng thấp hơn so với dự đoán, giúp thị trường có được sự lạc quan. 

Các nhà đầu tư đang xem xét liệu một nền kinh tế mạnh mẽ, được thể hiện trong những dữ liệu gần đây, có thể đẩy giá cổ phiếu lên cao vào cuối năm nay hay không.

Về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp cuối tháng này, sau đó sẽ không có thêm đợt nâng nào nữa trong thời gian còn lại của năm 2023.

“Kịch bản ‘vàng’ vẫn đang được giữ vững, với lạm phát giảm và nền kinh tế tăng trưởng tương đối tốt. Đây là một lực đẩy khá tốt cho các tài sản rủi ro” - chuyên gia Ladner nói với đài CNBC.

Không chỉ tại Mỹ, theo Quỹ tiền Tệ Quốc tế (IMF), lạm phát dường như cũng đạt đỉnh tại các quốc gia thuộc G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới). Tuy nhiên, ở hầu hết các nước G20, đặc biệt là những nền kinh tế tiên tiến, lạm phát lõi vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương.

“Trong cuộc chiến chống lạm phát, có một số dấu hiệu về việc chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế, như tình trạng thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay ở khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone và Mỹ”-  Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva lưu ý trong một báo cáo công bố ngày 14/7..

“Các nhà hoạch định chính sách không nên ‘ăn mừng quá sớm’. Bài học từ những đợt lạm phát trước đây cho thấy rằng việc nới lỏng chính sách quá sớm có thể phá hỏng cuộc chiến chống lạm phát” - bà Georgieva cảnh báo.

IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu trong trung hạn sẽ giảm xuống khoảng 3%, thấp hơn mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000-2019.