Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ: Xu hướng tất yếu

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những kết quả rõ ràng từ thực tế có thể khẳng định, tự chủ là xu thế tất yếu và phù hợp thực tế, song khó khăn cũng không ít. Để thực hiện được những mục tiêu Nghị quyết, cũng như Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra, đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả thúc đẩy lộ trình tự chủ.

Bài 3: Gỡ nút thắt để hiện thực hóa mục tiêu
 Nhân viên thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
Vướng mắc từ quan niệm
Thực tế tại các đơn vị đã tự chủ cho thấy, về cơ chế chính sách, khi thực hiện tự chủ sẽ được chủ động về tổ chức bộ máy và sắp xếp, sử dụng nhân sự. Tuy nhiên, việc đánh giá, đề bạt viên chức, loại thải viên chức không đạt yêu cầu lại vẫn trói buộc bởi Luật Công chức, viên chức. Cho nên tự chủ bộ máy chưa thực sự hiệu quả và tinh gọn theo mong muốn.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân: Về cơ chế xác định mức học phí, giữa trường công lập và trường tư thục có sự khác nhau. Trường tư thục hiện nay xác định mức học phí là giá đào tạo, còn trường công lập dù tự chủ vẫn bị khống chế bởi quy định trần học phí của Nhà nước.
Chính vì thế, có thể những ngành, chương trình đào tạo chi phí cao để đưa ra sản phẩm đặc thù thì vẫn chưa đáp ứng được. Tự chủ trong trường công lập không đặt vấn đề thu lợi nhuận nhưng không có nghĩa không tính đúng, tính đủ cho các chi phí đào tạo.

“Tích lũy tài chính phải được sử dụng đầu tư cho đào tạo, chứ không chia lợi nhuận như các hoạt động kinh doanh khác. Nhưng hiện nguồn thu của trường không phải từ ngân sách mà từ học phí, để dành cho đầu tư cơ sở vật chất mới vẫn không được hoàn toàn quyết định ngay, mà phải được phê duyệt chi đầu tư trung hạn của ngành giáo dục đào tạo. Đây là điều bất hợp lý, như một “nút thắt” cản trở tính tự chủ” – PGS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các hành lang pháp lý chưa hình thành một hệ thống cũng là khó khăn với các đơn vị tự chủ. Trường THPT Phan Huy Chú đã phải tự mày mò, thử nghiệm và gặp không ít vấp váp. “Để khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo thì phải do nội tại của nhà trường, nhưng để hiểu về mô hình trường thì không thể ai cũng nắm vững. Người ta chỉ so sánh về mức học phí giữa trường này và các trường công lập khác thấy có sự chênh lệch cao, nên đấy cũng là khó khăn của nhà trường trong vấn đề tuyển sinh” - thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Gỡ cơ chế chính sách

Chuyển sang tự chủ là con đường đi đúng nhưng thực tế các cơ chế chính sách chưa theo kịp. Hiện nay, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) thực hiện tự chủ vẫn đang ở quá trình hoàn thiện, trong đó có nội dung tự chủ hoạt động, cách thức quản trị, vai trò của cơ quan chủ quản cũng chưa được quy định một cách đầy đủ và đồng bộ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Bệnh viện mới được tự chủ về giá chứ chưa được tự chủ về nhân lực, đầu tư. Chẳng hạn, chúng tôi muốn nhận, bổ nhiệm các nhân lực tốt cũng khó, vì họ phải là viên chức, biên chế, theo đúng trình tự quy hoạch… Về đầu tư, dù có quỹ nhưng mua bán rất chậm vì phải theo đấu thầu tập trung, nên nhiều khi mất cơ hội.
“Tôi đi dự hội thảo nhận thấy một loại thiết bị y tế rất tốt, muốn mua thì phải lên kế hoạch, nhanh nhất sau một năm mới được đầu tư. Nên, rất mong có cơ chế, chính sách để việc mua máy móc được nhanh nhất, với giá tốt nhất, thấp hơn giá đấu thầu của thị trường” - BS Nguyễn Đình Hưng nói.

PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng: Với những đơn vị tự chủ phải chỉ rõ vì sao cần thu mức chi phí như vậy một cách công khai và cơ quan quản lý Nhà nước phải giám sát, kiểm soát điều đó. Bộ chủ quản không phải là nơi xét duyệt những hoạt động mà chỉ quản lý Nhà nước về những tuyên bố hoạt động mà đơn vị đã công khai.
“Bên cạnh đó, đối với giáo dục đào tạo chuyên nghiệp (đào tạo nghề) thì phải thực hiện cơ chế tự chủ, để những đơn vị này có thể tự chủ trong nội dung đào tạo và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhà nước vẫn phải đầu tư và thực hiện theo cơ chế đặt hàng cho nhà trường, cũng chính là hình thức trả tiền cho người học đối với những ngành nghề đang thiếu nhân lực” - PGS.TS Hoàng Văn Cường nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế hay các lĩnh vực gắn với thị trường, đối với giáo dục phổ thông, những cơ sở nào có năng lực tự chủ cũng nên mạnh dạn cho tự chủ theo cơ chế thí điểm, nhất là những trường có uy tín, chất lượng cao. Không nên khống chế bao cấp đối với những đơn vị như thế này mà nên theo hướng chi trả theo chất lượng dịch vụ đào tạo. Tự chủ ở trong các cơ sở giáo dục đào tạo phổ thông sẽ tạo điều kiện cho các học sinh được lựa chọn nơi học phù hợp.

Để đảm bảo hoạt động của đơn vị SNCL, ngoài việc ban hành đầy đủ khung pháp lý về tự chủ tài chính cần tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của đơn vị SNCL theo tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-TW.
Theo Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú Hà Xuân Nhâm: Đối với cơ quan cấp trên phải hỗ trợ đơn vị trong tổ chức bộ máy nhân sự bước đầu, để làm sao giảm được tỷ lệ công chức viên chức. Bên cạnh đó, hỗ trợ nhà trường về trang thiết bị cơ sở vật chất ban đầu, đáp ứng được các chương trình nhà trường đã thiết kế. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cần giảm dần có lộ trình tạo thuận lợi cho các trường ban đầu thực hiện chuyển đổi mô hình.

Đặc biệt, để thu hút đội ngũ chất lượng cao vào các đơn vị SNCL tự chủ, quan trọng nhất phải tạo ra được môi trường làm việc thoải mái, tạo mọi cơ hội để mỗi cá nhân phát triển năng lực tối đa của mình, hưởng thu nhập theo năng lực hoàn thiện công việc chứ không cào bằng.
Bởi thế, việc đổi mới phương thức hoạt động là rất cần thiết, qua đó sẽ phát huy sức sáng tạo, năng động của các cá nhân, đơn vị, giúp các đơn vị SNCL thực hiện tự chủ có những bước đi, cách làm phù hợp và hiệu quả.

(Còn nữa)