Đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, lương hưu tính thế nào khi nghỉ hưu sớm?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 20 năm nhưng do sức khỏe giảm sút thì có được nghỉ hưu sớm và lương hưu tính thế nào; có nên rút BHXH một lần; những chính sách hấp dẫn người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện…

Đây là những câu hỏi của đoàn viên công đoàn gửi đến các chuyên gia tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức cho đoàn viên, người lao động về các chính sách mới và nhận diện tín dụng đen” do báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì phối hợp tổ chức ngày 19/8.

Các chuyên gia trả lời nhiều câu hỏi của đoàn viên công đoàn tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức cho đoàn viên, người lao động về các chính sách mới và nhận diện tín dụng đen” Ảnh: LĐTĐ. 
Các chuyên gia trả lời nhiều câu hỏi của đoàn viên công đoàn tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức cho đoàn viên, người lao động về các chính sách mới và nhận diện tín dụng đen” Ảnh: LĐTĐ. 

Trong đó, nội dung câu hỏi người lao động đóng BHXH đủ 20 năm nhưng do sức khỏe giảm sút thì có được nghỉ hưu sớm và lương hưu tính thế nào, Trưởng phỏng Truyền thông BHXH TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu phản hồi: Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu đã có những thay đổi so với trước. Theo đó, từ năm 2021 tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Do vậy, theo Nghị định số 135/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, nếu người lao động suy giảm lao động 61% thì có quyền nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi. Ví dụ năm nay, tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60 tuổi 9 tháng, nếu về hưu trước 5 tuổi sẽ là 55 tuổi 9 tháng.

Luật BHXH quy định người nghỉ hưu dựa trên 2 điều kiện, đó là tuổi đời và số năm đóng BHXH. Số năm đóng BHXH tối thiểu là 20 năm. Về điều kiện tuổi đời thì sẽ lấy năm tối đa trừ đi 5 năm (trừ những trường hợp đặc biệt về sức khỏe hoặc môi trường làm việc, một số trường hợp có quy định riêng liên quan đến bệnh HIV,… ).

Về cách tính lương hưu, lao động nữ đóng BHXH 30 năm được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75%, lao động nam đóng BHXH 35 năm được hưởng mức lương hưu cao nhất 75%.

Do vậy đối với lao động nam đóng BHXH 20 năm thì mức hưởng lương hưu 45%; lao động nữ đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu 45%. Ngoài điều kiện này, người lao động về hưu trước tuổi, mỗi năm bị trừ 2%. Cụ thể, nếu lao động nam đóng BHXH 20 năm, về hưu trước tuổi 5 năm thì mỗi năm bị trừ 2%, chỉ được hưởng mức lương hưu 35%; lương hưu rất thấp. Do vậy, người lao động nên đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Chị Bùi Thị Thơm  đến từ trường Tiểu học Tân Phát hỏi chuyên gia về việc khi người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội nhưng sức khỏe giảm sút có được nghỉ hưu sớm… Ảnh: LĐTĐ
Chị Bùi Thị Thơm  đến từ trường Tiểu học Tân Phát hỏi chuyên gia về việc khi người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội nhưng sức khỏe giảm sút có được nghỉ hưu sớm… Ảnh: LĐTĐ

Trước những băn khoăn về việc có nên rút BHXH một lần, bà Dương Thị Minh Châu cũng cho biết, hiện nay, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được xây dựng với những điều kiện hưởng lương hưu càng thuận lợi và có lợi hơn cho người tham gia lưới an sinh xã hội. Cụ thể, trong thời gian tới, nếu người lao động tham gia BHXH 10 năm thì có thể đóng 1 lần cho những năm còn thiếu và hưởng ngay lương hưu sau khi đóng…

Về những chính sách hấp dẫn người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện, bà Minh Châu cho hay: Khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện, theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, Chính phủ hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, bằng 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và bằng 10% đối với các đối tượng khác.

HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, theo đó, từ năm 2022 TP hỗ trợ thêm 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác. Như vậy, người lao động thuộc hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội khi tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ bằng 60%, người thuộc hộ cận nghèo là 50% và các đối tượng khác 20%.

Một số quận, huyện, thị xã cũng đã đề nghị HĐND, UBND hỗ trợ thêm người lao động thuộc hộ nghèo đóng BHXH tự nguyện. Nhiều địa phương có cách hỗ trợ của riêng, tùy nguồn ngân sách… mong rằng tỷ lệ bao phủ BHXH ngày càng rộng hơn.