Đồng hành cùng đất nước hưng thịnh

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN và doanh nhân Việt Nam là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

 Đất nước chúng ta chỉ có thể mạnh lên khi DN mạnh, doanh nhân mạnh, doanh nhân giàu. Sau hơn 35 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 DN đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.

Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế… Có được kết quả to lớn đó, một phần vô cùng quan trọng là chúng ta đã khơi dậy được tinh thần và khát vọng phát triển của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt có sự nỗ lực, đóng góp hết sức to lớn của hàng triệu DN và doanh nhân trong cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đất nước ta cũng đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, đó là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Và để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của nhiệm vụ này.

Bên cạnh những đóng góp cho sự hưng thịnh của đất nước, cộng đồng doanh nhân Việt Nam cũng luôn nêu cao trách nhiệm xã hội. Hơn 2 năm qua, mặc dù đối diện nhiều khó khăn từ dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng toàn cầu… nhưng cộng đồng DN đã luôn cố gắng kiên cường trụ vững để đóng góp vào tăng trưởng, lo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách.

Ngay trong bối cảnh làm ăn thua lỗ, khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các DN, doanh nhân vẫn đi đầu trong việc ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng Covid-19, cho các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ cho người lao động, người nghèo, những đối tượng yếu thế với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng… Đó là những nghĩa cử đáng khuyến khích, tôn vinh.

Xác định vị trí, vai trò của cộng đồng doanh nhân, việc xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ sớm. Từ năm 2004, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam (Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/09/2004); năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử có một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011); năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, DN được hiến định trong Hiến pháp năm 2013…

Quan điểm, chủ trương và sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ doanh nhân, DN đã tạo niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng DN, doanh nhân phát triển, vượt qua khó khăn, trở ngại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước thời kỳ đổi mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần