Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc kỷ lục sau cảnh báo trục xuất đại sứ 10 nước phương Tây

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm kỷ lục, chạm mức thấp nhất mọi thời đại trong ngày 25/10 sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chỉ thị trục xuất đại sứ của 10 quốc gia phương Tây.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc về mức thấp kỷ lục còn 9,75 lira đổi 1 USD, giảm 1,3% với mức chốt phiên phiên ngày thứ Sáu là 9,5 lira.
 Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm kỷ lục so với đồng bạc xanh trong ngày 25/10. Ảnh: Reuters
Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh trong tuần trước sau khi Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cắt giảm lãi suất 200 điểm cơ bản, nhiều hơn dự báo của thị trường, ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng tỷ giá đồng lira trượt dốc thê thảm so với đồng bạc xanh là do chịu tác động từ quyết định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về việc trục xuất 10 đại sứ các nước phương Tây, gồm cả Mỹ và Đức.
"Tôi lo ngại về biến động trên thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này. Đồng lira chắc chắn sẽ phải chịu áp lực bán rất lớn", chuyên gia theo dõi thị trường mới nổi kỳ cựu Tim Ash tại BlueBay nhận xét.
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ giá hối đoái giữa đồng lira với USD đã sụt giảm khoảng 24%. 
Trước đó, ngày 23/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố 10 đại sứ, trong đó có Đại sứ Mỹ, Đức và Pháp, là những nhà ngoại giao "không được hoan nghênh" liên quan đến tuyên bố chung kêu gọi trả tự do cho doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ Osman Kavala.
Trong bài phát biểu tại tỉnh Eskisehir, Tổng thống Erdogan nêu rõ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cần tuyên bố 10 Đại sứ trên là những nhà ngoại giao "không được hoan nghênh" và sớm trục xuất họ. Trước đó, ngày 19/10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập các đại sứ của 10 nước - gồm Mỹ, Canada, Pháp, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển, liên quan đến tuyên bố chung kêu gọi trả tự do cho doanh nhân Osman Kavala đang bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tuyên bố chung ngày 18/10, các đại sứ 10 nước nói trên kêu gọi đưa ra một giải pháp "công bằng và nhanh chóng" đối với trường hợp của ông Kavala, phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như luật pháp nước này, đồng thời lập tức trả tự do cho nhân vật này. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích tuyên bố chung trên là "vô trách nhiệm".
Dự kiến trong ngày hôm nay (25/10), Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng liệu có trục suất các nhà ngoại giao phương Tây hay không. Nếu diễn ra, vụ việc có nguy cơ gây rạn nứt sâu sắc nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trong 19 năm cầm quyền của Tổng thống Erdogan.
Bên cạnh đó, việc ông Erdogan tuyên bố trục xuất đại sứ các nước, trong đó có một số đồng minh NATO, cũng đe dọa làm tổn hại thêm những nỗ lực cứu vãn nền kinh tế và ổn định nội tệ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã theo đuổi chiến lược này bằng cách cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ và châu Âu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần