Đồng Lộc những ngày tháng 7

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) ghi dấu bao chiến công vang dội của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh đã lùi xa, "tọa độ lửa" năm xưa trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho muôn thế hệ...

Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc
Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc

Đồng Lộc “tọa độ lửa”

Năm 1968 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra vô cùng cam go, khốc liệt. Hà Tĩnh là hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam, đồng thời là tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc. Với vị trí địa lý đặc biệt, là “yết hầu giao thông” trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, Ngã ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc trở thành điểm quyết chiến chiến lược, nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trước sức mạnh của đế quốc xâm lược.

Cán bộ Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc giới thiệu về lịch sử, những chiến công vang dội của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc.
Cán bộ Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc giới thiệu về lịch sử, những chiến công vang dội của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc.

Âm mưu biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”, chặn đứng sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã đánh phá nơi đây gần 1.900 lượt, ném hơn 50.000 quả bom các loại; tính ra, mỗi mét vuông đất tại Ngã ba Đồng Lộc đã phải oằn mình hứng chịu 3 quả bom tấn.

Ngã ba Đồng Lộc “bom cày lên bom, đạn đè lên đạn”, song với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã có hơn 16.000 người thuộc các lực lượng kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã có nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường Đồng Lộc. Tiêu biểu trong số đó có 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng.

Quyết tâm sắt đá, “tim có thể ngừng đập, nhưng huyết mạch giao thông không bao giờ tắc”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, các lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu đã góp phần làm nên một Đồng Lộc huyền thoại, Đồng Lộc anh hùng, vang danh cùng non sông, đất nước.

Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc, giờ đây Ngã ba Đồng Lộc - Tọa độ lửa bom cày, đạn xới một thời đã là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi mà muôn triệu trái tim yêu chuộng hòa bình cùng hành hương về tri ân các anh hùng liệt sĩ với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu nặng.

Các đoàn dâng hoa, thắp hương tưởng niệm tại khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc.
Các đoàn dâng hoa, thắp hương tưởng niệm tại khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc.

Viết tiếp bản hùng ca cách mạng

Tháng 7 - tiếng chuông Đồng Lộc ngân vang, vọng vào cõi thiêng nơi 10 nữ liệt sĩ anh hùng thanh niên xung phong ngã xuống đã hóa thành bất tử.  Đồng Lộc hiên ngang, tượng đài chiến thắng kiêu hãnh dưới trời xanh, mây trắng mãi luôn là biểu tượng, niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Tiếp xúc với phóng viên, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình quê ở tỉnh Quảng Trị chia sẻ: "Hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7, tôi và các đồng đội từng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị lại về Ngã ba Đồng Lộc thắp nén tâm nhang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ".

“Sự khốc liệt của 81 ngày đêm “mùa Hè đỏ lửa - 1972” nơi chiến trường Quảng Trị cũng như chiến công vang dội ở Ngã ba Đồng Lộc, mãi là bản hùng ca bất tử của dân tộc Việt Nam. Trở về cõi thiêng Đồng Lộc hôm nay, tôi rất trân quý, tri ân bằng cả tấm lòng, trái tim của người lính với những đồng đội đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì một Đồng Lộc huyền thoại” - Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình tự hào chia sẻ.

Nhiều du khách tham quan, chụp hình lưu niệm tại Ngã ba Đồng Lộc
Nhiều du khách tham quan, chụp hình lưu niệm tại Ngã ba Đồng Lộc

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Ước - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết: Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2022), tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đã diễn ra nhiều hoạt động tri ân có ý nghĩa thiết thực. Bên cạnh chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ hôm nay và mai sau.

“Thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày Ngã ba Đồng Lộc đón khoảng gần 4.000 lượt người dân, du khách đến tham quan, dâng hương tưởng niệm, trong đó có nhiều đoàn đoàn khách quốc tế. Ban Quản lý Khu di tích đã phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp đón, hướng dẫn du khách tham quan, thắp hương, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ…” - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết thêm.

Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít, ngọn cỏ, cành cây xác xơ dưới lửa đạn quân thù. Vậy nhưng hôm nay, vùng trọng điểm đánh phá ác liệt ấy đã thực sự hồi sinh, Ngã ba Đồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và là điểm tham quan du lịch của du khách thập phương. Đặt chân lên mảnh đất thiêng, ngắm nhìn Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc, mỗi chúng ta đều tự hào về các thế hệ cha anh, những người một thời hừng hực khí thế, rạo rực niềm tin “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần