Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng minh thân thiết của Nga nêu điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức cao cấp quân đội Belarus thông báo, nước này đã được hướng dẫn và biết cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus Pavel Muraveik. Ảnh: ONT
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus Pavel Muraveik. Ảnh: ONT

Theo Tass, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng quân đội Belarus Pavel Muraveiko hôm 30/6 tuyên bố nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược nếu chủ quyền và độc lập quốc gia bị đe dọa.

"Belarus đã đồng ý cho Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ. Chúng tôi đã được hướng dẫn xử lý loại vũ khí này và đủ khả năng sử dụng chúng nếu chủ quyền và độc lập của đất nước bị đe dọa” - ông Muraveiko nêu rõ khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ONT.

Theo Học thuyết quân sự mới nhất vừa được Quốc hội Belarus thông qua vào tháng 4, khả năng ngăn chặn các mối nguy hiểm quân sự của Minsk phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các đồng minh, trước hết là Nga. Việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga được coi là yếu tố chính để giảm căng thẳng.

Vào ngày 25/3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, theo yêu cầu của chính quyền Minsk, Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, tương tự như những gì Mỹ đã làm từ lâu trên lãnh thổ các nước đồng minh.

Theo đó, Moscow đã cung cấp cho Minsk hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân và giúp Minsk tái trang bị cho các máy bay của mình để mang vũ khí chuyên dụng. Các tổ lái và phi công tên lửa đã được huấn luyện tại Nga.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi tháng 5 cho biết, hàng chục vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được triển khai trên lãnh thổ Belarus theo thỏa thuận cuối năm ngoái giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nga và Belarus coi đây là một biện pháp để răn đe phương Tây.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế nhỏ hơn và sử dụng ở tầm gần, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở tầm xa. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Belarus - một đồng minh của Nga - có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Nga và Belarus nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại nước này, do vậy việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là cần thiết để răn đe. Mặt khác, chính quyền Tổng thống Lukashenko khẳng định sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.