Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với Nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Mỹ. Đây là thỏa thuận ký vào năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran và đổi lấy việc Tehran được quốc tế dỡ trừng phạt.
Cùng với việc rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran , Mỹ quyết định áp đặt trở lại lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran . Washington đã đề nghị các quốc gia khác phải dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran từ ngày 4/11, nếu không sẽ phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Trong ngày 29/7, đồng Rial giảm xuống mức 112.000 Rial đổi 1 USD trên thị trường sau khi giảm còn 97.500 Rial/USD vào ngày trước đó, hãng tin Reuters dẫn số liệu từ trang web Bonbast.com cho biết.
Kể từ tháng 4 đến nay, đồng Rial đã mất giá khoảng một nửa do nền kinh tế sa sút, khó khăn tài chính tại các ngân hàng trong nước và nhu cầu mua đồng USD tăng cao của người Iran do lo ngại ảnh hưởng kinh tế của lệnh trừng phạt.
Tỷ lệ lạm phát của Iran nhảy vọt lên mức 203%, cao gấp 20 lần so với mức hàng năm chỉ khoảng 10,2%.
Lý giải việc đồng nội tệ mất giá kỷ lục, Ngân hàng Trung ương Iran cho biết: "Những diễn biến gần đây trên thị trường ngoại hối và vàng chủ yếu xuất phát từ âm mưu của kẻ thù nhằm làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế và khiến dân chúng lo sợ".
Ngoài sự mất giá của đồng Rial, việc Mỹ chuẩn bị tái áp trừng phạt đối với Iran cũng dẫn tới những cuộc biểu tình đường phố phản đối nạn đầu cơ trục lợi và tham nhũng.
Lệnh trừng phạt của Mỹ tái áp đặt đối với Iran từ ngày 7/8 tới sẽ bao gồm cấm Iran mua đồng USD, chặn giao dịch của Iran về vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các sản phẩm thảm, thực phẩm của Iran và chặn một số giao dịch tài chính của nước này.
Đặc biệt, xuất khẩu dầu thô của Iran có thể giảm 2/3 trong năm nay do các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ, gia tăng nguy cơ nguồn cung dầu toàn cầu có khả năng bị gián đoạn.