Theo đó, cổ phần của tập đoàn bất động sản trong ngân hàng này sẽ giảm xuống còn 14,75% từ 34,5%.
Ngân hàng Shengjing yêu cầu tất cả số tiền từ việc bán cổ phần được sử dụng để thanh toán các khoản nợ tài chính của Evergrande liên quan tới Ngân hàng Shengjing, đại diện tập đoàn cho biết.
Như vậy Evergrande sẽ không thể sử dụng số tiền này cho các mục đích khác, chẳng hạn như khoản thanh toán lãi suất cho các trái chủ ở nước ngoài trị giá 47,5 triệu USD đáo hạn hôm nay.
1,75 tỷ cổ phiếu, chiếm 19,93% vốn cổ phần đã phát hành của ngân hàng, sẽ được bán với giá 5,70 nhân dân tệ/cổ phiếu cho Tập đoàn đầu tư tài chính Shenyang Shengjing - một doanh nghiệp nhà nước về quản lý vốn và tài sản.
Với bước đi này, cổ phần của Shenyang Shengjing trong ngân hàng sẽ được tăng lên 20,79%, trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng.
"Vấn đề thanh khoản của công ty đã ảnh hưởng bất lợi đến Ngân hàng Shengjing về mặt tài sản", Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan cho biết trong tuyên bố.
"Việc giới thiệu bên mua, là một doanh nghiệp nhà nước, sẽ giúp ổn định hoạt động của Ngân hàng Shengjing, đồng thời, giúp tăng và duy trì giá trị của khoản lãi 14,75% trong Ngân hàng Shengjing mà công ty giữ lại”, theo tuyên bố trên.
Các thời hạn thanh toán nợ của Evergrande đang được giới đầu tư theo dõi chặt chẽ. Evergrande hiện đang là tập đoàn kinh tế lớn nhất của Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi mất khả năng trả khoản nợ 300 tỷ USD, hệ quả từ cuộc khủng hoảng này được cho sẽ có tác động sâu rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn lan ra nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty thuộc sở hữu của chính phủ và các nhà phát triển bất động sản được nhà nước hậu thuẫn mua một số tài sản của China Evergrande Group, hãng tin Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết.