Đồng Tháp: Phát triển ngành thủy sản bền vững

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong những năm trở lại đây, tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng bền vững, hiệu quả, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Trong đó ưu tiên phát triển kinh tế khu vực nông thôn; đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, tăng cường xuất khẩu.

Tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến nuôi trồng ngành thủy sản theo hướng bền vững. Ảnh Hữu Tuấn
Tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến nuôi trồng ngành thủy sản theo hướng bền vững. Ảnh Hữu Tuấn

Đẩy mạnh diện tích nuôi trồng theo hướng bền vững

Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 582,25 ha, sản lượng thu hoạch 1.056,3 tấn; diện tích nuôi cá tra đến nay đạt 2.217,85 ha, sản lượng thu hoạch 357.174 tấn.

Trong khi đó, theo kế hoạch chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 tầm nhìn 2045 của tỉnh Đồng Tháp, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2030 đạt 4%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4,3%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 3,6%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất: Đến năm 2025 đạt 681.208 tấn; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 661.900 tấn, khai thác 19.308 tấn. Đến năm 2030 đạt 819.150 tấn; trong đó, sản lượng nuôi trồng 802.150 tấn, khai thác 17.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,1 - 1,2 tỷ USD.

Cá tra được UBND tỉnh Đồng Tháp xác định 1 trong những ngành hàng chủ lực xuất khẩu của địa phương. Ảnh Hữu Tuấn
Cá tra được UBND tỉnh Đồng Tháp xác định 1 trong những ngành hàng chủ lực xuất khẩu của địa phương. Ảnh Hữu Tuấn

Đến năm 2045, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; hướng đến nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Theo báo cáo của Sở NN& PTNT tỉnh Đồng Tháp thì hiện tại giá cá tra nguyên liệu khoảng 26.700 - 27.000đồng/kg; Tôm thương phẩm loại 1 giá dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Phát triển bền vững

Để đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Địa phương chú trọng bảo vệ và phát triển thủy sản, kiểm soát tốt việc khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững là mục tiêu mà tỉnh Đồng Tháp đang hướng tới. Ảnh Hữu Tuấn
Phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững là mục tiêu mà tỉnh Đồng Tháp đang hướng tới. Ảnh Hữu Tuấn

Đồng thời, đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ngành thủy sản; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xây dựng các cơ chế, chính sách; thị trường và xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực chế biến thủy sản; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; tổ chức sản xuất; tăng cường công tác quản lý nhà nước đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: UBND tỉnh đang tổ chức triển khai các giải pháp tháo gỡ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu thủy sản bền vững. Và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh, hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng nuôi trồng thủy sản năm 2023.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu: Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Hiệp Hội thủy sản tỉnh, UBND các huyện, TP… Tập trung triển khai các giải pháp phát triển ngành hàng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dựa trên việc áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý và điều hành sản xuất nhằm “giảm giá thành - nâng chất lượng - theo thị trường - thích ứng với biến đổi khí hậu – tăng hiệu quả”.