Tỷ giá USD trong phiên sáng 13/8 giảm so với yen Nhật và bảng Anh nhưng tăng so với euro.
Chỉ số Dollar Index cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt còn lại, tăng 0,68% lên 96,414 điểm. Chỉ số này trong phiên trước đó đã chạm ngưỡng 96,505 điểm, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2017.
Trong khi đó, đồng yen Nhật, được coi là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, tăng mạnh 0,7% so với đồng USD lên 110,15 yen, mức cao nhất trong 6 tuần.
Đồng euro chịu sức ép giảm giá mạnh vào đầu phiên giao dịch sáng 13/8 tại thị trường châu Á, khi nỗi lo về việc các ngân hàng châu Âu nắm giữ tài sản Thổ Nhĩ Kỳ khiến giới đầu tư đổ xô mua những tài sản an toàn như đồng USD, franc Thụy Sĩ và yen Nhật.
So với đồng USD, đồng euro giảm 0,27% xuống 1,1368 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Tuần trước, tỷ giá euro/USD giảm còn 1,1528 USD/euro.
Giá euro lao dốc trong phiên trước đó sau khi Financial Times đưa tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bày tỏ lo ngại về các ngân hàng Tây Ban Nha, Italia và Pháp, cũng như khả năng các ngân hàng này bị vạ lây trong căng thẳng liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng tiền chung châu Âu và lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã yêu cầu tăng gấp đôi mức thuế áp lên nhôm, thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong đầu phiên giao dịch ngày 13/8, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống mức thấp chưa từng thấy 7,24 lira đổi 1 USD. Đà lao dốc của đồng lira gây sức ép khiến đồng euro mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ thế giới.
"Sự sụt giá của đồng lira từ tháng 5 đến nay có vẻ như chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào suy thoái, và nhiều khả năng dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngân hàng", chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Andrew Kenningham thuộc Capital Economics nhận định.
"Đây sẽ là một cú sốc nữa đối với các thị trường mới nổi nói chung, tuy nhiên mức ảnh hưởng kinh tế rộng hơn sẽ ở mức khiêm tốn, ngay cả đối với khu vực Eurozone", ông Kenningham nhận định.
Masafumi Yamamoto, nhà chiến lược tiền tệ chính của Mizuho Securities, phân tích: “Tác động đối với các ngân hàng châu Âu từ tình hình tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ dường như không lớn như mọi người lo sợ, tôi cho rằng tình trạng thị trường tài chính bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được kiểm soát và sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngân hàng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu".
Ông Yamamoto nhận định đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ có thể vẫn chịu áp lực, nhưng đồng euro sẽ ổn định hơn trong tuần này.
Sau khi chạm mức thấp kỷ lục ở đầu phiên, đồng lira đã hồi phục nhẹ sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/8 tuyên bố sẽ triển khai một kế hoạch hành động khẩn cấp để trấn an thị trường.
Mặc dù vậy, đồng euro vẫn chạm đáy 1 năm so với đồng franc Thụy Sỹ, với khoảng 1,13 franc đổi 1 euro. Tỷ giá đồng euro so với yen Nhật xuống thấp nhất 10 tuần, với khoảng 125,45 yen đổi 1 euro.
Đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi lớn như đồng peso của Argentine hay rand của Nam Phi cũng giảm giá do sức ép từ đồng lira.
"Những rủi ro từ sự tụt dốc mạnh của đồng lira tập trung xung quanh các ngân hàng Tây Ban Nha, Italia và Pháp nắm giữ nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Argentine và Nam Phi cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ", các nhà phân tích thuộc ngân hàng ANZ nhận định.
Đồng đô la Australia giảm 0,3% so với USD xuống còn 0,7270 USD, gần chạm mức thấp nhất trong 19 tháng là 0,72505 USD.