Đồng USD tiếp tục giảm do số lượng việc làm Mỹ tăng thấp

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ giá USD ngày 9/4 đi xuống trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang cùng báo cáo cho thấy tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 3 đạt mức thấp nhất trong 6 tháng.

Chỉ số Dollar Index, cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt còn lại, giảm 0,42% xuống 90,180 điểm sau khi đạt mức cao nhất trong 1 tháng lên 90,597 điểm trong tuần trước.
Đồng USD chịu sức ép suy yếu trong phiên này sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy mức tăng trưởng việc làm trong tháng 3 thấp hơn mức dự báo. Báo cáo biên chế phi nông nghiệp cho biết nền kinh tế Mỹ chỉ tạo được 103.000 việc làm mới, giảm mạnh so với mức tăng 326.000 việc làm trong tháng 2.
 Đồng bạc xanh tiếp tục đi xuống trong ngày 9/4.
So với đồng yen Nhật Bản, đồng USD giữ vững ở mức 106,92 yen sau khi giảm 0,4% trong phiên trước đó.
Đồng USD chịu sức ép suy yếu do các nhà đầu tư gia tăng lo ngại tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ trong tháng 3 tại ra ít việc làm mới nhất trong 6 tháng.
Đồng bạc xanh mất giá so với yen Nhật và franc Thụy Sỹ trước những phản ứng từ phía Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ đáp trả các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ đến cùng và bằng mọi giá, khi những nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế mới đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Shinichiro Kadota - chiến lược gia cao cấp của Barclays ở Tokyo, nhận định tâm lý lo ngại rủi ro dường như ít dữ dội hơn so với cách đây vài tuần, do hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán để tìm ra giải pháp để giải quyết bất đồng thương mại. “Chúng tôi dự báo đồng USD sẽ không tiếp tục giảm mạnh so với yen Nhật”, ông Kadota cho biết.
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh vấn khá yếu ớt do nỗi lo về cuộc chiến thương mại vẫn đang đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư, cũng như xu hướng lợi suất trái phiếu Mỹ, Kadota nói thêm.
Thị trường tiền tệ thế giới phản ứng khá hạn chế sau khi truyền hình nhà nước Syria nói rằng có những thương vong được nghi ngờ là hậu quả của một vụ tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân lớn ở trung tâm Syria.
Satoshi Okagawa - chuyên gia phân tích thị trường của Ngân hàng Sumitomo Mitsui ở Singapore cũng cho rằng, mặc dù rủi ro về địa chính trị là một mối quan ngại, nhưng chúng đang được hạn chế bởi đà tăng trưởng vững chắc của kinh tế toàn cầu. “Nếu điều kiện kinh tế bắt đầu mờ đi, đó là khi thị trường có thể bắt đầu phản ứng quá mức với những rủi ro này”, Okagawa nói, đề cập đến căng thẳng địa chính trị.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Okagawa, thị trường cổ phiếu hiện đã có dấu hiệu hồi phục nhờ các số liệu cho thấy thu nhập của các công ty Mỹ là khá vững chắc gần đây.
Theo tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, ngân hàng trung ương có thể sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Thông tin này cũng hạn chế đà mất giá của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Trond khi đó, đồng euro giảm 0,1% so với USD, hiện giao dịch ở mức 1,2272 USD, thoát khỏi mức đáy xuống 1,2215 USD trong phiên giao dịch trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần