Chỉ số đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,1% lên mức 90,844 điểm. Chỉ số này đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 12/1 lên 91,016 điểm trong phiên giao dịch qua đêm (phiên giao dịch Mỹ).
Đồng USD phục hồi mạnh từ đầu tuần trước khi bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dịu bớt, các điểm nóng địa chính trị đã giảm nhiệt, đặc biệt là việc Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa. Các yếu tố này giúp các nhà đầu tư bớt lo ngại, chuyển hướng tập trung vào các nguyên tắc cơ bản hỗ trợ đồng bạc xanh, đặc biệt là việc lãi suất trái phiếu Mỹ tăng kỷ lục.
Tuy nhiên, đà leo dốc của đồng USD trong phiên này cũng bị hạn chế phần nào khi lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm của Mỹ đạt ngưỡng 3% lần đầu tiên trong hơn 4 năm qua đã thúc đẩy đà bán tháo trên thị trườn chứng khoán Mỹ.
So với đồng yen Nhật, đồng USD chỉ tăng nhẹ 0,1% lên 108,900 JPY/USD, thấp hơn mức đỉnh 2,5 tháng là 109,200 JPY/USD thiết lập trong phiên 24/4 trước khi S&P 500 và Dow Jones ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ ngày 6/4. Cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh trong ngày 24/4 sau cảnh báo của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ về việc chi phí có thể tăng cao hơn xuất phát từ sự gia tăng mạnh mẽ của lãi suất trái phiếu.
Mặc dù sự suy yếu trên thị trường Phố Wall hỗ trợ cho đồng yen Nhật - một tài sản an toàn thường có xu hướng tăng giá khi cổ phiếu sụt giảm, các nhà phân tích nhận định đồng USD vẫn tiếp tục tăng trong dài hạn.
“Tình hình có vẻ giống những gì diễn ra trong tháng 2, khi lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh và chứng khoán lao dốc. Tuy nhiên, sự khác biệt lần này là phản ứng của thị trường chứng khoán được đánh giá cẩn trọng hơn và nhu cầu mua đồng yen Nhật cũng không cao”, Yukio Ishizuki - chiến lược gia tiền tệ cao cấp của Chứng khoán Daiwa Securities ở Tokyo cho biết. “Sự chú ý của thị trường chắc chắn sẽ hướng đến chênh lệch lãi suất và điều này có khả năng tiếp tục hỗ trợ đồng USD đi lên”.
Lãi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm của Mỹ tăng lên 3% trong ngày 24/4, cho thấy tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế Mỹ. Lạm phát tại Mỹ đang có xu hướng tăng tốc, cùng với lo ngại về việc tăng cung nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng khiến lãi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục đi lên.
Hiện chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu của Mỹ và các đối tác châu Âu và Nhật Bản đã nới rộng đáng kể. Trong tuần này, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Kho bạc 10 năm của Mỹ và trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức đã đạt mức cao nhất trong 29 năm và mức chênh lệch lợi suất 10 năm giữa Mỹ và Nhật đạt mức cao nhất trong gần 11 năm.
Trong khi đó, đồng euro giảm nhẹ 0,06% xuống còn 1,2226 USD. Đồng bảng Anh vẫn nhích nhẹ 0,02% lên mức 1,3981 USD, rời xa khỏi mức đáy 1 tháng là 1,3919 USD thiết lập trong phiên trước đó.
Các đồng tiền khác cũng sụt giảm khi đồng USD mạnh lên. Đôla Australia giảm 0,25% xuống còn 0,7585 USD sau khi rơi xuống thấp nhất 4 tháng là 0,7576 USD trong phiên 24/4.
Đôla Canada cũng giảm nhẹ xuống mức 1,2837 CAD/USD. Đồng đôla New Zealand cũng mở rộng mức giảm xuống còn 0,7105 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 4/1.