Đốt vàng mã đang giảm dần

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa sẽ bước vào tháng xá tội vong nhân, mùa Vu Lan báo hiếu (tháng 7 âm lịch).

Các cơ sở sản xuất vàng mã ở khu làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy), thôn Phúc Am (Duyên Thái, Thường Tín); và các cửa hàng bán đồ vàng mã ở Hàng Mã đã tấp nập người bán, kẻ mua. Trong khi đó, các cơ sở thờ tự đang tăng cường tuyên truyền cho người dân hạn chế đốt vàng mã.
Lượng bán ra đã giảm
Theo chị Nguyễn Hà - chủ cơ sở sản xuất vàng mã Thanh Hà (phố Yên Hòa, Cầu Giấy), so với các tháng khác, từ tháng 6 đến đầu tháng 7 âm lịch cơ sở tăng cường 5 - 7 nhân công làm vàng mã. Các mặt hàng sản xuất nhiều vẫn gồm quần, áo giấy và các đồ trang sức, tiền vàng tượng trưng.
Chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền cho người đi lễ, nhằm giảm tình trạng đốt vàng mã. Ảnh: Ngọc Tú
Tuy nhiên, so với tháng cùng kỳ các năm trước, lượng tiêu thụ đã giảm dần đều khoảng 20%. Trong làng, nhiều gia đình đã chuyển đổi từ đất dùng cho sản xuất vàng mã thành xây nhà trọ cho thuê.
Về thôn Phúc Am (Thường Tín) những ngày oi nóng, không khí làm việc của người dân nơi đây cũng có phần chùng xuống. Trưởng thôn Phúc Am Phùng Quyết Thắng cho hay: Trên địa bàn của thôn có khoảng 180 hộ dân sống phụ thuộc vào nghề làm hàng mã, trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã, còn hơn 170 hộ dân còn lại chủ yếu là đi làm thuê. Do đó, ngành nghề làm hàng mã chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế của bà con nơi đây.
Khác với các địa phương làm hàng mã nổi tiếng khác như làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) chuyên sản xuất quần áo và đồ trang sức, làng Văn Hội (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) chuyên sản xuất tiền vàng…, làng Phúc Am lại chuyên sản xuất hình nộm thú (ngựa, voi…), thuyền rồng và nhà sơn trang. Khác với những mặt hàng ở nơi khác vẫn tấp nập, những mặt hàng kể trên của thôn Phúc Am lại bán rất chậm trong những ngày lễ báo hiếu, lễ xá tội vong nhân.
Năm nay không chỉ các sản phẩm hàng mã sản xuất từ thôn Phúc Am mà các sản phẩm vàng mã được các cửa hàng kinh doanh nhập về từ làng Song Hồ và làng Văn Hội cũng đều chung tình trạng như vậy. Bà Nguyễn Thị Gái - một trong những tiểu thương buôn vàng mã lớn nhất trong thôn cho biết, khách hàng mua vàng mã năm nay giảm trung bình từ 30 - 40% so với năm ngoái.
Dùng lời Phật để răn dạy
Thực tế sau văn bản của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam gửi các cơ sở thờ tự đề nghị tuyên truyền hạn chế dần đi đến chấm dứt tình trạng đốt vàng mã, nhiều chùa, chiền đã dùng các biện pháp để tuyên truyền đến người đi lễ. Tại chùa Huy Văn (Hà Nội), nhà chùa đã dùng lời Phật dạy về luật nhân quả, làm lành lánh dữ, hành thiện tích phúc mới là cách để báo hiếu tổ tiên chứ không phải đốt nhiều vàng mã.
Cũng trên địa bàn Hà Nội, quận Tây Hồ với hàng chục ngôi chùa và hàng trăm di tích, cơ sở thờ tự, công tác tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế đốt vàng mã đã được tích cực triển khai trong thời gian qua.
UBMTTQ quận Tây Hồ đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tuyên truyền, vận động Nhân dân khi đến lễ các chùa, đình, đền, miếu, phủ không đốt vàng mã. Trưởng ban Công tác Mặt trận tại địa bàn dân cư tích cực tập hợp, tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện hạn chế, dần dần bỏ hủ tục đốt vàng mã, đặc biệt trong dịp tháng 7 âm lịch.
Sự tích cực tuyên truyền đã tạo nên những thay đổi cơ bản, gốc rễ ngay trong nhận thức của chính người dân. Nhiều điểm nóng về đốt vàng mã ở các tỉnh, thành nhờ vậy cũng đang dần hạ nhiệt. Tại Khu di tích lịch sử văn hóa đình, chùa Bia Bà (quận Hà Đông, Hà Nội), chính quyền địa phương mỗi năm đều có văn bản giao Ban Quản lý di tích đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về việc cấm bày hàng mã lớn tại khu di tích, dần dần việc này cơ bản đã không còn.
Theo lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, địa bàn tập trung nhiều chùa chiền, đền, miếu… và tỷ lệ mua, đốt vàng mã hàng năm không hề nhỏ. Để hạn chế tình trạng này, lực lượng thanh tra liên ngành liên tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Nhưng biện pháp cốt lõi để giảm hủ tục này vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa và những nét đẹp văn hóa truyền thống, hiểu được đi lễ thế nào là đúng, là văn minh và văn hóa.