Dow Jones lập đỉnh mới, Nasdaq Composite có phiên giảm sâu nhất từ cuối năm 2022

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư chuyển từ cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang cổ phiếu vốn hóa nhỏ, có tính chu kỳ.

Chứng khoán Mỹ ngược chiều khi đóng cửa phiên ngày 17/7. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ ngược chiều khi đóng cửa phiên ngày 17/7. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 17/7, chỉ số S&P 500 giảm 1,39%, còn 5.588,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 2,77%, về mức 17.996,92 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 12/2022 và lần đầu tên kể từ ngày 1/7 đóng cửa dưới mức 18.000 điểm.

Trái với đà lao dốc của 2 chỉ số trên, Dow Jones lại tăng 243,6 điểm, tương đương 0,59%, lên 41.198,08 điểm. Chỉ số này tiếp tục lập kỷ lục mới và lần đầu tiên đóng cửa trên 41.000 điểm.

Đóng góp nhiều nhất vào phiên bùng nổ của Dow Jones là cổ phiếu công ty dịch vụ y tế và bảo hiểm UnitedHealth với mức tăng 4,5%. Cổ phiếu UnitedHealth giao dịch khởi sắc nhờ được giới phân tích nâng mức giá triển vọng sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý 2 khả quan hơn dự báo.

Trước đó, Dow Jones đã nhảy vọt hơn 300 điểm trong ngày thứ Ba - phiên tăng mạnh nhất của chỉ số trong hơn 1 năm.

Trong khi đó, 2 chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đang chịu áp lực giảm điểm từ đợt bán tháo của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.

Việc nhà đầu tư tăng tốc bán cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn để mua những cổ phiếu có tính chu kỳ cao hơn là một sự đảo ngược xu hướng đã duy trì trong phần lớn thời gian của năm ngoái và những tháng đầu năm nay.

Trên thực tế, phiên 17/7 là lần đầu tiên kể từ năm 2001 mà Nasdaq Composite giảm hơn 2,5% còn Dow Jones lại tăng điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông là hai nhóm giảm điểm mạnh nhất phiên này.

Cổ phiếu Meta Platforms mất 5,7%, còn cổ phiếu Netflix và Microsoft đều giảm hơn 1%. Cổ phiếu Apple sụt 2,5%.

Cổ phiếu các công ty sản xuất chip cũng chịu sức ép đi xuống sau khi hãng Bloomberg đưa tin chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét siết chặt hạn chế thương mại nếu các công ty tiếp tục để cho Trung Quốc tiếp cận với công nghệ Mỹ. Cổ phiếu hai hãng chip khổng lồ Nvidia và TSMC lần lượt mất 6% và 8%.

Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ giảm 1% trong ngày 17/7, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng trước đó. Tuy nhiên, chỉ số vẫn tăng hơn 9% trong 5 phiên trở lại đây, khi xu hướng tăng điểm trên sàn Phố Wall được mở rộng, thay vì tập trung vào cổ phiếu công nghệ như trước kia. Trong cùng khoảng thời gian, Nasdaq Composite sụt hơn 3% do cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

Xu hướng chuyển dịch diễn ra trong bối cảnh thị trường trở nên lạc quan hơn về triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ và công ty có chi phí tài chính cao.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tương lai dự báo gần như chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới.

Trong bài phát biểu tại sự kiện của Fed ở TP Kansas hôm 17/7, Thống đốc Fed Christopher Waller nói rằng các số liệu kinh tế gần đây đang tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuyên bố mới nhất của ông Waller cho thấy sự nhất quán với nhận xét của các nhà hoạch định chính sách khác của Fed gần đây. Điều này càng củng cố kỳ vọng của thị trường rằng việc giảm lãi suất sẽ không diễn ra tại cuộc họp chính sách trong tháng 7 này, song gần như chắc chắn được quyết định  vào tháng 9.

Chuyên gia trưởng về đầu tư Mike Dickson của Công ty Horizon Investments nhận định: “Giới đầu tư chỉ đang bán một số cổ phiếu vốn hóa lớn, kiếm lợi nhuận và mua một số công ty có tính chu kỳ hơn. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài trong mùa báo cáo tài chính quý 2”.